Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long – Chìa khoá để phát triển kinh tế bền vững
Sáng nay 6/9, tại Thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì.
Hội nghị này là một trong chuỗi 6 hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước, nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương tổ chức. Đây là hội nghị cuối cùng trong năm 2024, đánh dấu kết quả của một chuỗi hoạt động nhằm kết nối các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước.
Hội nghị thu hút khoảng 200 đại biểu tham dự gồm lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương; Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các Sở Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết: “Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực Nam của Tổ quốc - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế trọng yếu đối với cả nước. Vùng bao gồm địa phận 13 tỉnh, thành là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, bằng 5% diện tích lưu vực sông Mê Công. Vùng nằm liền kề tuyến hàng hải Đông - Tây, có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, kết nối Nam Á và Đông Á cũng như với Úc và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương.”
Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về đất đai, là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, nguồn nước thuận lợi nên diện tích cây ăn trái tăng nhanh qua từng năm. Bên cạnh lúa, thủy sản thì trái cây cũng là một thế mạnh trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu của vùng.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, rất nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, như nhóm hàng rau quả, gạo, tôm..., phần lớn đến từ Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long 7,6 triệu tấn.
Tính chung đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thuỷ sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại...
Thực hiện: Tiểu Kết - Sỹ Đồng.