Đưa hàng Việt vào chuỗi phân phối toàn cầu nhờ xúc tiến thương mại
Thời gian qua, hoạt động kinh tế xã hội của cả nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đóng góp quan trọng trong thành công chung đó là những nỗ lực lớn của Bộ Công Thương.
Theo đó, tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,08 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp vào thành công chung đó có vai trò quan trọng của xúc tiến thương mại. Thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan của các Bộ ban ngành, các địa phương để chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam, hỗ trợ phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm tiềm năng, chủ lực của địa phương, vùng miền và quốc gia, thể hiện ở các điểm sau.
Theo đó, Cục đã làm tốt công tác thông tin thị trường xuất khẩu, thông tin chính sách thương mại của các nước nhập khẩu; tiêu chuẩn quy định của các sản phẩm nhập khẩu… thông qua các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được tổ chức định kỳ hàng tháng.
Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước thông qua việc tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài; tổ chức các đoàn giao thương; tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu…
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu được thực hiện ngay tại Việt Nam cũng ngày càng khẳng định tính hiệu quả, đặc biệt là hiệu quả hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã với nguồn lực xúc tiến thương mại còn hạn chế.
Các hội chợ, triển lãm đa ngành cũng như chuyên ngành có quy mô lớn đã góp phần thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều tổ chức thương mại quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn phân phối lớn, các nhà nhập khẩu, mua hàng quốc tế đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Đồng thời, đây là cơ hội để Việt Nam từng bước khẳng định vị thế một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.
Đối với các địa phương, việc tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức đã và đang giúp quảng bá được sản phẩm địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu trong nước, tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại trong nước thông qua việc xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính bền vững, liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu. Tăng cường phối kết hợp với các chương trình xúc tiến thương mại của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; kết hợp hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, xúc tiến văn hoá, xúc tiến du lịch cũng như các hoạt động quảng bá khác.
Đặc biệt, hiện nay, Bộ Công Thương đang sở hữu hệ thống Thương vụ rộng khắp với 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ trên thế giới. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, bắt đầu từ tháng 7/2022, vào ngày cuối hàng tháng, Bộ Công Thương duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong hàng loạt nỗ lực lớn của Bộ nhằm đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường.
Bên cạnh đó, với hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã và đang nỗ lực phát huy vai trò “sứ giả” kinh tế, “cánh tay nối dài” để góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thông qua tăng cường truyền thông, nâng cao mức độ nhận diện ngành hàng Việt Nam, sản phẩm Việt Nam. Đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử, phát triển kinh tế số.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng thị trường hiện nay.