Doanh nghiệp cần chủ động trong việc xây dựng thương hiệu
Việc dịch chuyển sản xuất trên toàn cầu hiện diễn ra rất nhanh nên những doanh nghiệp gia công giờ đây rất dễ bị thay thế. Để duy trì sản xuất và xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp buộc phải tính đến việc phát triển hàng hóa mang thương hiệu của mình.
Tại toạ đàm “Chiến lược tiếp cận và xây dựng thương hiệu tại thị trường Vương quốc Anh” do Báo Công Thương tổ chức, các chuyên gia, hiệp hội đã trao đổi, thảo luận, đưa ra những giải pháp tốt nhất để giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA cũng như hiện thực hóa các giải pháp để ngành thuỷ sản xây dựng tốt hơn hệ sinh thái, đẩy mạnh xuất khẩu.
Doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu của mình tại các chuỗi phân phối lớn ở nước ngoài. Ảnh minh họa |
Là một ngành xuất khẩu hơn 13 tỷ USD trong năm 2023, nhưng chỉ dưới 10% tổng giá trị xuất khẩu gỗ do doanh nghiệp chủ động thiết kế mẫu mã và xây dựng thương hiệu. Việc tập trung vào gia công khiến doanh nghiệp thua thiệt vì làm nhiều nhưng hưởng không được bao nhiêu.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong quá trình làm việc với nhiều doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng muốn làm thương hiệu vì rất vất vả, khó khăn.
Thực tế có doanh nghiệp đã mất rất nhiều công đưa thương hiệu của mình lên kệ của các chuỗi phân phối lớn ở nước ngoài; nhưng sau đó do lợi nhuận không nhiều nên họ lại dồn trọng tâm vào mảng gia công. Như vậy những công sức bỏ ra xây dựng thương hiệu trở nên lãng phí. Do đó quyết tâm xây dựng thương hiệu của chủ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
Xây dựng thương hiệu là cả vấn đề lớn, từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí, điển hình như truy xuất nguồn gốc, xanh hóa… mới có thể xuất khẩu bền vững vào thị trường các nước phát triển.
Điều này buộc doanh nghiệp phải xây dựng một chuỗi cung ứng để đảm bảo hàng hóa không chỉ chất lượng, giá cả hợp lý mà còn đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Tại toạ đàm, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư cho đội ngũ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Vì để xây dựng một thương hiệu ở một thị trường phải hiểu được thị hiếu tiêu dùng tại thị trường đó. Ngoài ra doanh nghiệp phải có năng lực thiết kế mẫu mã, đáp ứng yêu cầu liên tục thay đổi của ngành thời trang.
Ngoài ra, phát triển thương hiệu không nhất thiết phải là doanh nghiệp tự mình xây dựng. Doanh nghiệp có thể tính đến phương án mua lại các thương hiệu đã có tại thị trường quốc tế, tận dụng bề dày lịch sử thương hiệu và có thể tiếp cận được luôn tiêu chuẩn kĩ thuật, hệ thống đánh giá của thương hiệu đó. Đây có thể xem là hướng đi nhanh gọn để doanh nghiệp có thương hiệu tại thị trường quốc tế.