Đa dạng hóa mô hình doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu
Đa dạng hóa mô hình doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu |
Thực hiện hiệu quả Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trên bức tranh kinh tế khi đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/9/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 279,38 tỷ USD, tăng 14,8% tương ứng tăng 35,98 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Để có được kết quả này, công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu đã được chú trọng triển khai trong thời gian qua khi Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á). Do vậy, xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.
Để có được kết quả như trên, bên cạnh sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, cũng cần nhấn mạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Theo Kết quả khảo sát niềm tin kinh doanh mới nhất của Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, điều tích cực nhất là niềm tin của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã quay trở lại và đạt 2,57/5, cao nhất trong các ngành. Nhiều doanh nghiệp không chỉ vượt khó về quản trị kinh doanh nói chung mà còn từng bước tiên phong trong các yêu cầu mới về chuyển đổi xanh - bền vững, số hóa, chuyển mình theo các quy định kĩ thuật mới trong giao dịch thương mại quốc tế… Từ đó giúp hàng hoá Việt Nam được người tiêu dùng thế giới ngày càng ưa chuộng.
Đặc biệt, doanh nghiệp luôn chú trọng triển khai các giải pháp chủ động nguyên phụ liệu, mẫu mã sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm ngày càng chiếm lĩnh được nhiều thị trường.