Tại Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất - Hawa Expo 2025 diễn ra TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đánh giá: Ngành chế biến gỗ và nội thất luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, không chỉ đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu mà còn khẳng định vị thế vững chắc của Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Dẫn chứng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 đã đạt trên 16,28 tỷ USD, tăng 20,9% (tương ứng 2,81 tỷ USD) so với năm 2023, tiếp tục đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ và nội thất hàng đầu thế giới. Ngay trong tháng 1/2025, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,42 tỷ USD, đưa gỗ vào nhóm 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam ghi nhận những bước tiến vượt bậc, cả về quy mô sản xuất lẫn giá trị thương mại. Từ một quốc gia chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất và cung ứng đồ gỗ, nội thất hàng đầu thế giới.
Các doanh nghiệp trong nước ngày càng chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng và từng bước xây dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trước xu hướng tiêu dùng xanh và yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế, ngành gỗ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng nguyên vật liệu bền vững, cải tiến mẫu mã, thiết kế sáng tạo và tối ưu hóa chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng toàn cầu.
Cùng với đó, xu hướng phát triển đô thị và công nghiệp thúc đẩy nhu cầu thị trường ngày càng tăng về cả lượng và chất đối với sản phẩm gỗ nội thất và gỗ kỹ thuật, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục đồng hành cùng các Hiệp hội và doanh nghiệp với các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.
Thứ nhất, xây dựng Chiến lược xúc tiến xuất khẩu nhằm mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 25 tỷ USD năm 2030, ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững dựa trên việc chủ động nguồn cung nguyên liệu, sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.
Thứ hai, nâng cao năng lực tuân thủ và đạt chứng nhận cho các doanh nghiệp gỗ góp phần tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường, mở rộng cơ hội xuất khẩu. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn cũng giúp giảm thiểu rủi ro về pháp lý và thương mại cho doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gỗ Việt. Bên cạnh hoạt động tổ chức hội chợ triển lãm, cần mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại chuyên sâu của các Hiệp hội như tổ chức đoàn giao thương nước ngoài, nghiên cứu thị trường tiềm năng, tổ chức các hội nghị quốc tế, đào tạo về thiết kế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển thương hiệu với kiến thức chuyên sâu và kỹ thuật hơn.
Lần thứ 5 tham gia Hawa Expo, Canada Wood Việt Nam biết đến không chỉ cung cấp các loại gỗ mền đến từ Canada, mà còn tư vấn về kỹ thuật, chuyên môn để các nhà sản xuất có thể thiết kế và tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh nhất, đồng thời giúp họ mở rộng kết nối với những đối tác tiềm năng.
Ông Trần Thanh Vẹn, Giám đốc Quốc gia Canadian Wood tại Việt Nam chia sẻ, Canada Wood Việt Nam tập trung vào việc hỗ trợ các nhà sản xuất, giúp họ lựa chọn và ứng dụng gỗ Canada vào sản phẩm nội thất chất lượng cao. Các hoạt động này là một phần tất yếu trong chiến lược phát triển tại thị trường, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành gỗ Việt Nam nói chung
Điểm nhấn của sự kiện, các nhà triển lãm tại Hawa Expo 2025 tích cực ứng dụng công nghệ số và phát triển bền vững, bắt kịp với những yêu cầu xuất khẩu toàn cầu mới nhất như tăng trưởng xanh, sản xuất carbon thấp và vận hành bằng trí tuệ nhân tạo. Điều này không chỉ giúp thể hiện mức độ sản xuất tiên tiến và xanh của Việt Nam, mà còn đáp ứng mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ đã đề ra.