Hiệp định CPTPP - mở 'cánh cửa' cho hàng hóa Việt Nam xuất sang Peru
Quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam - Peru đã và đang ngày càng được củng cố nhờ việc hai nước cùng tham gia vào nhiều cơ chế hội nhập đa phương, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định CPTPP được coi là cơ sở để thúc đẩy kim ngạch song phương Việt Nam - Peru, mang lại cơ hội mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Peru trong thời gian tới.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trao đổi thương mại hai chiều năm 2023 đạt 486 triệu USD, giảm 19% so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru 439 triệu USD, giảm 17,3%, nhập khẩu từ Peru đạt 47 triệu USD, giảm 32,3%.
9 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 386,95 triệu USD, tăng 0,7%. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Peru đạt 336,99 triệu USD, giảm 3,7%, trong khi nhập khẩu từ Peru đạt 52,69 triệu USD, tăng 42,4%.
Quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam - Peru đã và đang ngày càng được củng cố nhờ việc hai nước cùng tham gia vào nhiều cơ chế hội nhập đa phương, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ảnh: Quỳnh Trang |
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), quan hệ thương mại Việt Nam - Peru đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Chỉ trong vòng 8 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi từ khoảng 300 triệu USD (năm 2014) lên mức 600 triệu USD (năm 2022). Về đầu tư, tại Peru có sự hiện diện của các dự án đầu tư lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực viễn thông và khai khoáng.
Hiện nay, Peru được đánh giá là nền kinh tế năng động với chính sách kinh tế đối ngoại tương đối cởi mở tại khu vực Mỹ Latinh. Hơn nữa, Peru là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt Nam bởi phần lớn doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Peru là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hàng hóa sản phẩm Việt Nam tương đối dễ thâm nhập và có tính cạnh tranh cao. Peru cũng có thể là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam đi vào thị trường các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia hay Brazil.
Dù vậy, hiện nay thương hiệu hàng hóa Việt Nam hiện diện tại thị trường Peru hay thị trường CPTPP vẫn chưa nhiều, chiếm tỷ trỏng rất ít. Họ chỉ biết đến với một cái tên chung chung như gạo Việt Nam, thủy sản Việt Nam mà chưa biết đến một thương hiệu, ngành hàng cụ thể nào cả.
Đi cùng với sự hiện diện thương hiệu còn hạn chế, khoảng cách địa lý cùng rào cản ngôn ngữ là những lực cản chính trong việc kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước. Trao đổi thương mại giữa hai nước tuy có xu hướng gia tăng nhưng còn ở mức thấp và chủ yếu qua trung gian. Hơn nữa, Peru là thị trường mở, ký kết nhiều FTA với các nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan... nên tính cạnh tranh tại thị trường Peru tương đối cao.
Trong thời gian tới, để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Peru, doanh nghiệp cần tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trực tiếp tại hội chợ, trung tâm triển lãm; kết hợp quảng bá sản phẩm hàng hóa và đất nước con người Việt trên kênh truyền thông của quốc gia này. Bên cạnh đó, hai bên đẩy mạnh phát triển mảng logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam giúp doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu.
Nhằm tăng trưởng xuất khẩu sang Peru, Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng để định hướng sản phẩm phù hợp và đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, chủ động tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm tại Peru để nâng cao sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, việc sử dụng kênh truyền thông trực tuyến để quảng bá thương hiệu nhằm tiếp cận người tiêu dùng Peru.
Lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý, doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP, nắm vững cam kết trong hiệp định, nhất là quy định ưu đãi thuế quan và tiêu chuẩn xuất xứ sản phẩm. Tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu về nhãn mác, bao bì của thị trường Peru, tránh rủi ro cũngnhư hạn chế việc hàng hóa bị từ chối hoặc xử lý chậm trễ tại cảng nhập khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xuất khẩu dài hạn, linh hoạt để thích ứng với biến động của thị trường gồm cả giá cả hàng hóa và tình hình chính trị của nước sở tại. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với cơ quan nhà nước Peru thông qua kênh ngoại giao và thương mại để giải quyết phát sinh trong quá trình xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động phản ánh khó khăn và yêu cầu hỗ trợ từ Bộ Công Thương để được trợ giúp kịp thời.