Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số: Đòn bẩy nâng cao sức cạnh tranh ngành công nghiệp
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn nhất quán xác định khoa học công nghệ và đối mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững, thích ứng với bối cảnh hội nhập. Quan điểm này một lần nữa được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời coi đó là một trong những đột phá chiến lược của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Thực hiện các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động vào cuộc nhằm góp phần phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới. Có thể kể đến Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về Chiến lược khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Trong đó nêu rõ, ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, số hóa nhằm tạo sự đột phá về trình độ, năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, ưu tiên, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ với chính sách “bắt kịp”, tiến tới “dẫn dắt” về công nghệ đối với các doanh nghiệp sản xuất. Chú trọng hoạt động KHCN và ĐMST phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Chiến lược khẳng định: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng và khâu đột phá trong chính sách công nghiệp và thương mại để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh ngành Công Thương; tự chủ về công nghệ công nghiệp, đặc biệt là các công nghệ then chốt; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương phải được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết chặt chẽ với định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp và thương mại nhằm tạo ra những kết quả nghiên cứu thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững ngành Công Thương.
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học cùng với việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong ngành. Thúc đẩy mối quan hệ gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương.
Ngoài ra, ngành Công Thương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, đề tài nhằm nâng cao hiệu quả công tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, Bộ Công Thương đã rà soát, hướng dẫn, hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động khoa học và công nghệ cấp bộ; chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN cùng các văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá trong giai đoạn tới; từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH&CN trong các doanh nghiệp. Các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của ngành Công Thương, mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng tập trung xây dựng, phát triển, liên kết mạng lưới các tổ chức KH&CN của ngành, lấy các tổ chức KH&CN công lập là trung tâm để kết nối với tổ chức KH&CN thuộc các tập đoàn, tổng công ty, trường đại học thuộc bộ, các tổ chức KH&CN có uy tín trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai công tác KH&CN, đổi mới sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực… Có thể nói, các đề án nghiên cứu và đổi mới sáng tạo từ 13 viện nghiên cứu trực thuộc và 9 viện của các tập đoàn/tổng công ty trong ngành luôn cho ra những sản phẩm KH&CN có giá trị cao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Có thể kể đến, trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất trong lĩnh vực dầu khí của thế giới đã được áp dụng, đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho ngành. Không những ứng dụng và làm chủ được công nghệ hiện đại trên thế giới, cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn có năng lực trong nước, nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.
Trong lĩnh vực năng lượng điện, các doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành việc triển khai nhiều chương trình/dự án đầu tư, ứng dụng đổi mới công nghệ hiện đại, giúp việc vận hành hệ thống điện của Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới…
Ngoài ra, trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm; đặc biệt, tỷ lệ khai thác bằng cơ giới tăng vượt bậc, từ 3,3% năm 2010 lên 13,1% năm 2018.
Trong lĩnh vực dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam đang tập trung xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cho ngành dầu khí Việt Nam, nghiên cứu phát triển các sản phẩm số ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hoạt động của ngành năng lượng Việt Nam.
Tất cả những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội cũng như quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thành công từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong giai đoạn vừa qua là tiền đề quan trọng để Đảng và Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp.