Đẩy mạnh hợp tác với Na Uy để thúc đẩy ngành nuôi biển Việt Nam phát triển
Hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản biển hay còn gọi là ngành nuôi biển đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của nhiều địa phương ven biển, thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào chuỗi ngành hàng. Nuôi biển Việt Nam đã và đang chuyển từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ hiện đại theo hướng công nghiệp, từ nuôi gần bờ sang vùng biển xa bờ, gắn với các ngành kinh tế biển khác.
Theo thống kê của Cục Thủy sản Việt Nam, năm 2023, ngành nuôi biển đạt sản lượng 790 nghìn tấn (tăng hơn 10% so với năm 2022), kim ngạch xuất khẩu đạt 552 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu sản lượng 1,45 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu từ 1,8-2.0 tỷ USD vào năm 2030 thì vẫn cần sự nỗ lực rất nhiều của tất cả các mắt xích liên quan đến hoạt động nuôi biển, đặc biệt là bà con ngư dân.
Trên thực tế, nguồn nhân lực trong ngành nuôi biển nước ta còn hạn chế cả về số lượng và trình độ kỹ thuật. Lao động thường xuyên trong chuỗi sản xuất nuôi biển hiện nay thường làm việc theo kinh nghiệm, được truyền nghề theo kiểu truyền thống, trình độ kỹ thuật hạn chế chưa thể đáp ứng yêu cầu nuôi quy mô lớn, đặc biệt là nuôi ở vùng biển mở, nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, để ngành nuôi biển phát bền vững và hiệu quả, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ thuật phù hợp là rất quan trọng.
Trước thực trạng đó, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên đoàn Giới chủ Na Uy, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp cùng Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi biển đến từ Chi cục Thủy sản các tỉnh, giảng viên, quản lý cấp cao của các doanh nghiệp và chuyên gia đến từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để xây dựng Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề và Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề Nuôi biển công nghiệp.
Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
“Trong cái thời gian năm năm triển khai dự án thì dự án đã giúp hỗ trợ về mặt công nghệ, dự án đã giới thiệu những cái kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tiên tiến của Na Uy cho các cái doanh nghiệp và ngư dân của Việt Nam như là cái hệ thống nuôi biển thân thiện với môi trường là phương pháp và cái kỹ thuật giám sát chất lượng nước, nâng cao cái cái khả năng quản lý, giám sát dịch bệnh.”
Bà Hilde Solbakken – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam
“Na Uy có truyền thống lâu đời và nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản biển. Tất nhiên, Việt Nam cũng là một quốc gia rất lớn về nuôi trồng thủy sản, nhưng vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trên biển. Nhưng chúng tôi biết rằng Việt Nam có tham vọng lớn trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản biển công nghiệp và về phía Na Uy, chúng tôi rất muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình và giúp Việt Nam đạt được tham vọng đó.”
Cùng với các hoạt động đào tạo, chuyển giao do VCCI chủ trì biên soạn và thực hiện, Cục Thủy sản Việt Nam cũng đã phối hợp với VCCI-Hồ Chí Minh để tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về nuôi biển công nghiệp cho các học viên là cán bộ ngành thủy sản và ngư dân các tỉnh ven biển Việt Nam.
Ông Nhữ Văn Cẩn – Phó Cục trưởng Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
“Để mà nâng cao năng lực cạnh tranh cho cái lĩnh vực ngư biển thì hiện nay thì Cục Thủy sản cũng đang tham mưu cho Bộ Nông nghiệp ấy là có những cái cơ chế chính sách, ví dụ như là đào tạo để nâng cao cái kỹ năng cho người sản xuất, đặc biệt là những cái người tham gia trong cái chuỗi sản xuất như: giống, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Ngoài ra thì Cục Thủy sản cũng đang tiếp tục hướng dẫn các cái cơ sở nuôi thực hiện đúng những các cái quy định của Nhà nước, ví dụ như là cái công tác đảm bảo cái điều kiện, cái phát triển, bảo vệ môi trường phát triển bền vững. Chúng tôi cũng đang tham mưu cho Bộ là đề xuất là có những cái cơ chế chính sách để hỗ trợ về bảo hiểm thì chúng ta biết là nuôi biển, cái rủi ro nó rất là lớn.”
Với sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Na Uy, cũng như sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan ban ngành trong thời gian qua, tương lai không xa, nguồn lao động của ngành nuôi biển Việt Nam sẽ sớm đáp ứng được nhu cầu lao động của thị trường cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần phát triển ngành nuôi biển hiệu quả và bền vững.