Nhiều Đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết, kịp thời khi sửa đổi Luật Điện lực
Chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước,… và dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước,… và dự án Luật Điện lực (sửa đổi). |
Việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để kịp thời thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ Nhân dân. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước;...
Tán thành sự cần thiết kịp thời sửa đổi Luật Điện lực, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật liên quan tới quy định về Chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện; thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi); cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực;…
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (tỉnh Hà Nam) cho rằng, đây là luật chuyên ngành, rất khó. Việc sửa đổi luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay nhưng chỉ làm trong 1 kỳ họp là nỗ lực rất lớn.
Về chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, về nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này, sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm. Để từ đó giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt quan điểm, nguyên tắc mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, đó là “những vấn đề thực tế biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành”, “không luật hóa các quy định của nghị định, thông tư”.
Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát để lượng hóa các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, cần rà soát giải thích từ ngữ tại Điều 4 trong Dự thảo Luật để bảo đảm rõ ràng về nội hàm để áp dụng thống nhất. Như Điện năng lượng tái tạo hay Các dạng năng lượng tái tạo khác...
Bên cạnh giải quyết các vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động điện lực, Cơ quan soạn thảo cũng đưa vào các nội dung đã được kiểm chứng trong thực tiễn như giá điện 2 thành phần, điện mặt trời mái nhà và xu hướng thế giới như điện hạt nhân vào Luật. Với tính cấp bách và sự cần thiết ban hành của Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ, Bộ Công Thương mong muốn Luật sẽ được thực hiện theo quy trình 1 kỳ họp.