Tràn lan những tiktoker ‘tự xưng’ bác sĩ, dược sĩ bán hàng trên Tiktok
Theo quy định khoản 2, Điều 27, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm về đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm quy định: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Tuy nhiên thực tế trên nền tảng tiktok hiện nay, có rất nhiều người đã có dấu hiệu vi phạm quy định trên khi khoác lên mình đồ của bác sĩ, dược sĩ, tự giới thiệu là bác sĩ, dược sĩ để livestream, quay clip bán hàng.
kênh tiktok Nhà có 2 dược sĩ có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng và gắn giỏ hàng trên Tiktok. |
Cụ thể, kênh tiktok Nhà có 2 dược sĩ (user: @nhaco2duocsi.official) với hơn 300 ngàn người theo dõi, trong những clip trên kênh của mình, 2 nhân vật này thường xuyên xuất hiện dưới hình thức mặc áo blouse, cầm sản phẩm thuốc/thực phẩm chức năng để quảng cáo đồng thời còn gắn cả giỏ hàng và trực tiếp giới thiệu ở cuối clip rằng “n hà hai dược sĩ có bán sản phẩm…”. thậm chí còn mở siêu sale bán các sản phẩm về thuốc, thực phẩm chức năng với giá hời, tặng kèm những phần quà hấp dẫn.
Một trường hợp khác như kênh tiktok dược sĩ Nguyễn Hoa (user: @duocsinguyenhoa) tự giới thiệu là ThS Dược học – Đại học Paris Descartes, tư vấn chăm sóc Yzone – Sắc đẹp và sinh lý nữ. Nhưng thay vì chỉ tư vấn đơn thuần, dược sĩ này cũng gắn giỏ hàng, quảng cáo bán các sản phẩm chăm sóc sức vùng kín cho phụ nữ.
Mà điểm đáng chú ý, các kiến thức và sản phẩm cô dược sĩ này quảng cáo khuyên người tiêu dùng nên mua lại khiến người xem không khỏi hoài nghi về người này có thực sự là bác sĩ/dược sĩ hay không bởi những điều người này nói hoàn toàn khác xa với các căn dặn của bác sĩ tại bệnh viện lớn mà nhiều người xem đã thăm khám.
“Chị này có thực sự là bác sĩ không ạ? Chứ em đi khám ở bệnh viện lớn các bác sĩ đều nói không nên” “Em đi bệnh viện Từ Dũ bác sĩ bảo không được thụt rửa bên trong” “sao đi khám bác sĩ không nói vậy?”
Rõ ràng hành vi của các Tiktoker trên đều có dấu hiệu vi phạm đến quy định, nghị định được ban hành. Song vì sao những clip như vậy vẫn “lọt lướt” khỏi khâu kiểm duyệt để rồi trôi nổi như rác khắp mạng xã hội và những người tự giới thiệu là bác sĩ, dược sĩ ấy vẫn ngang nhiên quảng cáo bất chấp như vậy? Có hay không việc kiểm soát nội dung trên nền tảng tiktok vẫn chưa đủ chặt chẽ, sát sao, “giúp” nhiều tiktoker cố tình vi phạm để trục lợi cá nhân?