Tiktoker “Bác sĩ Huy” gây tranh cãi vì gắn mác bác sĩ, Phó viện trưởng để bán hàng online
Hot Tiktoker “Bác sĩ Huy” được giới thiệu là Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Y Dược. Song gắn mác là một Phó viện trưởng nhưng thay vì làm công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, Lê Tiến Huy lại dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, lên livestream bán hàng.
Hot Tiktoker “Bác sĩ Huy” tên thật là Lê Tiến Huy (SN 1996), dù còn rất trẻ nhưng từ nhiều năm trước đã được giới thiệu là Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Y Dược.
Bác sĩ Huy là Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Y Dược khi còn rất trẻ. |
Với những video chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, sức khỏe, kênh Tiktok “Bác sĩ Huy” (User: bacsihuy.official) của Phó viện trưởng siêu trẻ này tới nay đã có tới 1,2 triệu lượt người theo dõi và hơn 23,8 triệu lượt người thích video.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì Viện Khoa học công nghệ Y Dược chỉ là một viên nghiên cứu tư nhân, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận số A-2090 ngày 24/6/2019.
Do là viện tư nhân, nên công tác nhân sự tại cơ sở này tương đối dễ dàng và không bị ràng buộc bởi các quy định khắt khe về trình độ, lý luận như các đơn vị sự nghiệp công lập. Thế nên, việc một thanh niên chưa tới 30 tuổi đã được quyết định bổ nhiệm làm Phó viện trưởng mang sắc thái về hình ảnh hơn là sự ngưỡng mộ về trình độ, tài năng.
Điều này cũng thể hiện phần nào ngay trên các kênh mạng xã hội Tiktok “Bác sĩ Huy”. Cụ thể, là một Phó viện trưởng nhưng thay vì làm công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, Lê Tiến Huy lại dành nhiều thời gian cho mạng xã hội với những video chia sẻ về y tế, sức khoẻ đơn thuần.
Để ý kỹ hơn một chút sẽ thấy mục tiêu của hoạt động có phần không đúng với vai trò của một Phó viện trưởng là tiến tới quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm thực phẩm chức năng, nói chính xác hơn là gắn mác Phó viện trưởng, Bác sĩ chỉ nhằm mục đích bán hàng online.
Đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định khoản 2, Điều 27, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Cụ thể, khoản 2, Điều 27, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm quy định: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Hành vi này cần được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định.