Toàn Miền Bắc căng mình chống bão lũ lịch sử hơn 65 năm qua
Mưa bão đã gây lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc dẫn đến thiệt hại nặng nề. Đến thời điểm này, các tỉnh vẫn căng mình chống lũ.
Hà Nội
Tại Hà Nội, đến 12 giờ trưa ngày 11/9/2024, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã vượt báo động 2 là 62cm, đã gây thêm ngập lụt tại nhiều khu vực dân cư ven sông.
Cùng với đó là các tuyến đê thuộc các quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây... cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn.
Công an quận Tây Hồ cho biết, quận chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời trong trường hợp mực nước sông Hồng dâng cao, gây ngập lụt.
Quận Tây Hồ đã triển khai các biện pháp khẩn cấp di dời toàn bộ người dân lao động ngoài bãi giữa đến nơi an toàn. Đồng thời, Uỷ ban nhân dân quận đã chuẩn bị phương án đưa khoảng 4.000 nhân khẩu về trung tâm văn hóa của phường và nhà sinh hoạt các tổ dân phố trong trường hợp khẩn cấp.
Hiện các phường đã rà soát các hộ dân, nhân khẩu, nhà cấp 4 khu vực ngoài đê sông Hồng để chuẩn bị phương án di dời trong trường hợp nước lũ dâng cao và có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
Ngoài ra, đã thực hiện công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai, để cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đời sống nhân dân và ổn định thị trường.
Tuyên Quang
Ghi nhận tại Tuyên Quang nước ngập sâu trên 2m, nước sông Lô dâng cao trên mức báo động 3,
Vào 10h30 sáng 11/9, mực nước sông Lô tại thành phố Tuyên Quang dâng cao đạt 27,67m trên mức báo động 3 khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn bị ngập sâu trên 2m, nhiều hộ dân bị cô lập.
Theo người dân địa phương, sáng 11/9 nhiều nhà dân và các tuyến đường trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đã bị ngập sâu từ 2-3m.
Sáng ngày 11/9, ông Trần Viết Cương - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Tuyên Quang cho biết, hiện 15/15 xã, phường thành phố Tuyên Quang đều ngập sâu. Thời điểm hiện tại, hầu hết các gia đình đều đã phải chuyển lên sinh hoạt tại khu vực tầng 2, tầng 3 do nước lên nhanh hoặc phải di chuyển đi xa để tránh lũ. Theo người dân Tuyên Quang, đây là trận lũ lịch sử trong vòng 20 năm trở lại đây. Hiện tại nước đang xuống chậm, nhưng mưa lớn vẫn tiếp diễn nên người dân không nên chủ quan. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn khiến mực nước trên các sông dâng cao lên trên mức báo động 3 (mức cực kỳ nguy hiểm). Đảm bảo an toàn cao nhất về người, các lực lượng chức năng như Quân đội, Công an, các địa phương đã huy động tối đa lực lượng đưa người dân ra khỏi khu vực bị ngập.
Lào Cai
Lào Cai cũng là một trong những tỉnh thành phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3. Tính đến đêm 10/9, trên địa bàn toàn tỉnh có 39 người chết, 108 người mất tích và 61 người bị thương.
Có 4.862 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn (Sa Pa 75 nhà, Bảo Thắng 870 nhà, Văn Bàn 236 nhà, Bắc Hà 478 nhà, Bát Xát 264 nhà, Si Ma Cai 14 nhà, Bảo Yên 1.249 nhà, thành phố Lào Cai 1.634 nhà, Mường Khương 42 nhà). Các địa phương vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại.
Trên địa bàn tỉnh có 44 xã/83 thôn đang bị cô lập do đường giao thông bị ngập nước, sạt lở (Bát Xát 12 xã ven sông Hồng, Bảo Thắng 10 xã, Bảo Yên 11 xã (43 thôn), Bắc Hà 6 xã (35 thôn), Văn Bàn 3 xã (5 thôn). Si Ma Cai 2 xã (thị trấn Si Ma Cai, xã Bản Mế).
Mưa lũ đã làm hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu bị ngập úng, gãy đổ và vùi lấp; làm 108 con gia súc bị lũ cuốn và đất đá vùi lấp. Ngay sau khi xảy ra các điểm thiên tai, chính quyền các địa phương đã có mặt kịp thời huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn các nhân và tổ chức khắc phục hậu quả.
Cùng với đó, lực lượng công an, quân sự, biên phòng cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ, phương tiện, trang - thiết bị cứu hộ, cứu nạn đưa người dân ra khỏi vùng lũ và triển khai nhiệm vụ ứng phó, khắc phục hậu quả.
Thái Bình
Về diễn biến tình hình mưa lũ 24h qua, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa các nơi từ 07h ngày 10/9 đến 07h ngày 11/9 phổ biến từ 30-50 mm.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực giữa Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nên từ sáng nay (11/9) đến sáng ngày 12/9 tại Thái Bình có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa cả đợt các nơi phổ biến từ 50 - 100 mm.
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 1
Do tác động của mưa lớn làm gia tăng mức độ ngập úng đối với các diện diện tích lúa mùa đã bị ngập bởi mưa lớn do bão số 3; gây tràn và vỡ các bờ bao của ao, đầm nuôi trồng thủy hải sản; gây ra sạt lở đê, kè khu vực xung yếu; gây ngập úng các tuyến phố tại đô thị, khu vực trũng thấp ảnh hưởng đến giao thông đi lại.
Về nông nghiệp, Thái Bình 11.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, 3.345 ha hoa màu bị ngập úng, 1.385 ha cây ăn quả bị hư hại.
Hiện, Uỷ ban Nhân dân tỉnh và các huyện sẵn sàng phương án cấp, xuất nguồn lực từ kinh phí mua sắm vật tư đến chủ động hậu cần, thuốc men để nếu có tình huống xấu nhất xảy ra vẫn bảo đảm người dân không bị đói rét, không để xảy ra cô lập địa bàn.
Thái Nguyên
Mặc dù cường độ mưa đã giảm, nước một số khu vực ngập ở thành phố Thái Nguyên đã hạ so với những ngày qua, nhưng đến sáng 11/9, nhiều tuyến đường, khu dân cư ở một số phường vẫn còn bị nước chia cắt, khiến việc đi lại, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Mực nước sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên đang giảm dần, nhưng đời sống của người dân ở nhiều khu vực vẫn bị ảnh hưởng và cần nhiều thời gian để khắc phục.
Theo báo cáo nhanh của tỉnh Thái Nguyên, đến sáng 11/9, lũ lụt đã khiến 3.063 hộ phải di dời khẩn cấp; 323 nhà bị tốc mái; 25 điểm trường bị ảnh hưởng; 7.332,42 ha lúa và hoa màu; 415 ha cây rừng; 255.817 con gia súc, gia cầm bị chết; 117 điểm sạt lở.
Mưa lũ đã khiến 1.606,4 ha nuôi cá bị ngập; 14 cột treo cáp bị gãy đổ; 3.300 m dây bị đứt và nhiều thiết bị đầu cuối bị hư hỏng; 4 trạm biến áp bị hư hỏng; 60 cột điện bị đổ.
Dự báo trong 24 giờ tới, lũ tại thành phố Thái Nguyên tiếp tục có xu hướng giảm dần nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Hiện, thành phố đang có 81 xóm, tổ dân phố của 22 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập.
Nhằm kịp thời ứng phó với lũ trên sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ và lực lượng xung kích địa phương cùng các phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết thực hiện gia cố đê tại 5 vị trí khu vực thành phố Thái Nguyên (tổng chiều dài khoảng 300 m).
Yên Bái
Lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang xuống nhưng vẫn ở trên mức nước lũ lịch sử năm 1968 (34,42 m).
Theo đó, tính đến 6h sáng 11/9, toàn tỉnh Yên Bái đã có 41 người chết và mất tích; trong đó: do sạt lở đất 37 người (thành phố Yên Bái 20 người, Trấn Yên 1 người, Lục Yên 11 người, Văn Chấn 1 người, Văn Yên 4 người), chết do ngập lũ 1 người (ở huyện Trấn Yên), mất tích 3 người (ở huyện Lục Yên).
Ngoài ra, còn hàng trăm điểm sạt lở, ngập nước trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường xã, thôn, gây ách tắc giao thông và khó khăn cho đi lại. Ước thiệt hại 195 tỷ đồng.
Do đó, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu quyết tâm làm tốt công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn những người còn mất tích, mắc kẹt; tiếp tục làm tốt công tác di dời người dân đến nơi an toàn; đặc biệt quan tâm hỗ trợ an sinh xã hội, chú trọng đến những gia đình có người bị chết, người bị thương, người đang bị cô lập và hỗ trợ hậu cần cho những hộ dân đang gặp khó khăn.