Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bộ Công Thương sẽ cảnh báo hướng dẫn phân biệt hàng giả về thực phẩm chức năng
Chiều 11/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải trình làm rõ thêm về vấn đề quản lý ngành dược và mỹ phẩm.
Liên quan đến quản lý ngành dược và mỹ phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo Khoản 2, Điều 10 Luật Dược năm 2016 được sửa đổi bổ sung năm 2018 và Luật Hóa chất thì Bộ Công Thương được giao trách nhiệm liên quan đến công nghiệp hóa dược ở khâu sản xuất nguyên liệu làm thuốc và phối hợp với các bộ, ngành trong quản lý thương mại điện tử.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương trong quản lý dược, mỹ phẩm, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Cụ thể: Thứ nhất, Bộ đã chỉ đạo Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng vận chuyển mua bán hàng hóa dược phẩm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền…
Thứ hai, giám sát, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, tăng giá hàng hóa bất hợp lý.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá.
Thứ tư, tập trung thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 theo Đề án của Chính phủ. Kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các loại hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu. Ảnh: Quốc hội |
Đối với việc quản lý hoạt động kinh doanh, quảng cáo sai quy định các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm và các loại hàng hóa dịch vụ khác trên môi trường thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp như:
Một là, yêu cầu các chủ sàn thương mại điện tử chịu trách nhiệm khi các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn.
Hai là, chủ động phát hiện hoặc nhận được thông tin của Bộ Y tế về các hành vi vi phạm, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ các thông tin vi phạm trên mạng.
Ba là, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, xử phạt hàng hóa vi phạm về nguồn gốc, chất lượng trong đó có sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo hướng dẫn phân biệt hàng giả cho các cơ sở kinh doanh trên các địa bàn nổi cộm; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân, hạn chế sai phạm.
Chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, xác minh hóa đơn chứng từ, rà soát, kiểm tra xử lý các tụ điểm, kho bãi tập kết hàng hóa nhập lậu, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh dược liệu, các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ở các địa bàn trọng điểm trên cả nước.
Tổ chức kiểm tra khâu vận chuyển, lưu thông, phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra các bưu cục, điểm dịch vụ chuyển phát nhanh, kịp thời phát hiện các vi phạm trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm giả không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Giám sát, kiểm tra, xử lý các vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử sử dụng mạng xã hội để kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.
Tăng cường triển khai Quy chế phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường với các cơ quan chức năng liên quan tại địa phương để làm tốt công tác quản lý kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động buôn lậu, kinh doanh dược liệu và xử cơ sở lý dữ liệu dùng chung trong đấu tranh với những vi phạm.
Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho phép nghiên cứu đề xuất ban hành Luật Thương mại điện tử để có công cụ quản lý đủ mạnh và đồng bộ. Vì thời gian qua chủ yếu là quản lý theo Nghị định 52 và Nghị định 85 thì chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa đủ mạnh và đồng bộ.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Dược tại kỳ họp này và thông qua Luật Hóa chất trong đầu kỳ họp tới hoặc kỳ họp gần nhất để có cơ sở quản lý tốt hơn trong kinh doanh dược mỹ phẩm cũng như thương mại điện tử.