Temu chưa đăng ký hoạt động, cần xử lý như thế nào?
Temu chưa đăng ký hoạt động, cần xử lý như thế nào? |
Thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã xây dựng các website, app (ứng dụng) phiên bản tiếng Việt, tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thu hút người tiêu dùng cũng như các thương nhân có nhu cầu kinh doanh hàng hóa giá rẻ.
Dù có hoạt động kinh doanh nhưng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới này chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Luật sư Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Châu Á (ASIALAW) khẳng định, dù chưa đăng ký hoạt động thương mại với Bộ Công Thương nhưng Temu đã tiến hành cung cấp website, app phiên bản tiếng Việt, cho các thương nhân khác kinh doanh trên nền tảng này là chưa thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam.
Việc Temu đưa ra hoạt động khuyến mại “khủng” giảm giá đến 70%, thậm chí 90% nhằm hút khách và quảng bá hình ảnh của Temu, cũng có dấu hiệu vi phạm quy định về xúc tiến thương mại của Việt Nam.
Theo Luật sư Sơn, việc đầu tiên tiến hành với Temu là cần nhanh chóng yêu cầu tổ chức này đăng ký hoạt động tại Việt Nam thì cơ quan chức năng mới có đủ cơ sở pháp lý để quản lý, cũng như áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp, cụ thể nếu phát hiện vi phạm.
Trước đó, ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký công văn 8598/BCT-TMĐT gửi các đơn vị thuộc Bộ về việc đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Công văn nêu, yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép; đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử.