Phát triển trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu, gỡ nút thắt ngành dệt may, da giày
Ngày 5/9, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2024 với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Trọng tâm của hội nghị xoay quanh vấn đề thành lập Trung tâm giao dịch phát triển cung ứng nguyên phụ liệu ngành thời trang tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu nhóm ngành dệt may, da giày đạt khoảng 13,42 tỷ USD, tăng 14,11% so với cùng kỳ năm 2023.
Trọng tâm của hội nghị xoay quanh vấn đề thành lập Trung tâm giao dịch phát triển cung ứng nguyên phụ liệu ngành thời trang tại Việt Nam |
Song đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển chung của toàn ngành thời gian tới, khi nhiều thị trường xuất khẩu trên thế giới (Mỹ, EU) hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 và họ đang đặt ra các quy định khắt khe về nguồn cung.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, hiện nay có hơn 60 - 70% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành dệt may, da giày Việt Nam phải loay hoay tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc nhập nguồn nguyên liệu theo sự chỉ định của khách hàng.
Do đó, việc thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu có quy mô lớn tại Việt Nam sẽ giúp ngành dệt may, da giày bước đầu gỡ được nút thắt về nguồn cung, thúc đẩy hoạt động đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam, phục vụ xuất khẩu và nội địa.
Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài |
Tháng 12/2023, Hiệp hội Da Giày - Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc xin ý kiến chủ trương xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.
Theo đó, khi chủ động hơn về nguồn cung, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rút ngắn thời gian ra mẫu chào hàng đối tác; chi phí, giá cả cạnh tranh hơn. Đồng thời, trung tâm ra đời còn hình thành thị trường giao dịch nguyên phụ liệu ngành thời trang minh bạch; hình thành các giao dịch và hoạt động về nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất, từ đó giúp các doanh nghiệp tiệm cận nhanh tới các công nghệ mới, công nghệ sạch.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã giao Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam là cơ quan chủ trì kết hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam làm một đề án chi tiết về việc thành lập trung tâm. Trong đó có các giai đoạn thực hiện, nghiên cứu mô hình, định hướng tương lai, nội dung về cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực, đề xuất cụ thể từ phía hiệp hội...