Lên án hành vi lợi dụng bão lũ đăng hình ảnh ''giả' câu view trục lợi
Lên án hành vi lợi dụng bão lũ đăng tải hình ảnh “giả” để câu view trục lợi
Các tỉnh miền núi phía Bắc hiện vẫn đang oằn mình trong lũ dữ, thiệt hại về người và của là không kể xiết. Chính quyền các địa phương đang tích cực triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn người dân nhằm giảm thiểu những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trên mạng xã hội lại liên tục xuất hiện các tin giả "ăn theo mưa lũ" để câu view, trục lợi |
Trong những ngày này, cả nước cũng đang hướng về các tỉnh miền núi phía Bắc thông qua các hoạt động từ thiện, cứu trợ. Thế nhưng, từ ngày 11/9 tới nay, trên mạng xã hội lại liên tục xuất hiện các tin giả "ăn theo mưa lũ" để câu view, trục lợi.
Trong ngày 11/9, dân mạng liên tục chia sẻ bức ảnh với nội dung: "Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang…". Trong ảnh là một gia đình đang di tản giữa biển nước lũ, hình ảnh người đàn ông đẩy chiếc thau có người phụ nữ ôm đứa bé đã làm lay động hàng triệu trái tim. Tuy nhiên, dân mạng nhanh chóng phát hiện ra đó chỉ là một bức ảnh được chụp lại từ một video trên YouTube đăng tải trước đó và lãnh đạo UBND huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cũng xác nhận, đó không phải là hình ảnh thực tế trên địa bàn xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên.
Hay như đoạn video ghi lại cảnh một bé trai vùng cao đang khóc nức nở bên vệ đường kèm chú thích: "Xót xa đau lòng quá, nước trôi mất mẹ con rồi không tìm thấy đâu". Để rồi nhiều người xem nghẹn ngào, thương xót. Không ít bình luận cho rằng bé trai ấy rơi vào tình cảnh mất mẹ trong thời điểm bão lũ đang diễn ra ở miền Bắc.
Tuy nhiên, sáng 13/9, bà Mai Thị Xoan, giáo viên điểm trường Mã Pì Lèng, thuộc Trường phổ thông dân tộc bổ túc tiểu học và THCS Phải Lủng, H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, khẳng định bé trai trong video khóc vì theo mẹ xuống nương. Em ấy vẫn có đầy đủ bố mẹ. Video này đã được ghi lại từ 1 năm trước đó.
Hành động lợi dụng một sự việc đang được cả nước quan tâm để câu like, câu view trục lợi không phải là mới, nhưng trong bão lũ, trong sự tang thương của đồng bào các tỉnh, phía Bắc, thì việc cố tình dàn dựng, đăng tải những hình ảnh không đúng sự thật là một hành động bất nhẫn, đáng bị lên án và bài trừ.
Những hình ảnh thiệt hại về bão lũ tự thân nó đã nói lên sự tang thương, đau xót, vì vậy, các tiktoker, facebooker không cần diễn, cũng không cần dàn dựng để khoét sâu thêm vào những nỗi đau, mất mát. Phía người xem cũng cần tỉnh táo, bài trừ, thẳng tay ấn report (hay báo cáo) những bài viết vi phạm, góp phần hạn chế lan tỏa những hình ảnh, video clip không đúng sự thật.
Quảng cáo sai quy định, thẩm mỹ Quốc tế Sài Gòn Korea bị xử phạt hàng trăm triệu đồng
Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Quốc tế Sài Gòn Korea (địa chỉ tại 341 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3) đã có hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định 117 ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, Công ty này đã sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (như phẫu thuật, thủ thuật...) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể mà không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Ngoài ra, công ty này còn thực hiện hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Với các hành vi vi phạm nêu trên, Thanh tra Sở Y tế quyết định xử phạt Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Quốc tế Sài Gòn Korea số tiền 120 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ hoạt động trong thời hạn 4,5 tháng; buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Tương tự, Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Doctor Skin Care Clinic and Spa (địa chỉ tại 843A Tạ Quang Bửu, Phường 5, Quận 8) về hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động với số tiền phạt160 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 18 tháng; buộc tháo dỡ, xóa quảng cáo khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Thanh tra Sở Y tế cũng quyết định xử phạt Giám đốc Công ty TNHH Doctor Skin Care Clinic and Spa số tiền 42 triệu đồng vì hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề và buộc nộp lại 7 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Các dấu hiệu nhận biết bugi NGK thật và hàng giả
Theo NGK, người dùng có thể nhận biết dấu hiệu bugi bị làm giả qua các dấu hiệu dưới đây.
Các dấu hiệu nhận biết bugi NGK thật và hàng giả |
Thương hiệu
Đầu tiên chúng ta sẽ nhìn vào tên thương hiệu, bugi NGK thật sẽ có chữ phần logo ở phần chính giữa, sắc nét và được in bằng mực in tốt. Trong khi đó các sản phẩm làm nhái có nét chữ mờ, vị trí nhận diện thương hiệu bị xô lệch.
Đai ốc lục giác
Dấu hiệu tiếp theo là phần đai ốc lục giác. Nếu không có số lô hoặc một loại phông chữ khác được sử dụng so với loại phông chữ chuẩn, thì đó không phải là sản phẩm chính hãng. Bugi thật có 4 ký tự được dập nổi sắc nét, mô tả cấu tạo và đặc tính của bugi.
Vòng đệm (long đen)
Bugi giả có vòng đệm lỏng lẻo dễ tháo rời. Bugi thật vòng đệm cố định, khó tháo hơn.
Tim sứ ở phần điện cực trung tâm
Bugi giả có phần tim sứ ở điện cực trung tâm có màu trắng đục, không đều màu. Phần tim sứ của bugi thật trắng đều, sạch sẽ.
Vì vậy, để đảm bảo nhất, người tiêu dùng nên tìm đến những cửa hàng uy tín hoặc cửa hàng chính hãng* của NGK để tìm mua.
Kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử phạt như nào?
Trạm tin thị trường số ngày hôm nay nhận được câu hỏi của độc giả về mức phạt dành cho hành vi buôn bán bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, mức phạt hành vi buôn bán bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất được căn cứ theo giá trị số bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ được buôn bán.
Theo đó, mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp số lượng bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ có giá trị dưới 1.000.000 đồng. Giá trị số lượng hàng hóa càng cao thì mức phạt cũng tăng dần theo.
Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp số lượng bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, trường hợp tổ chức thực hiện cùng hành vi vi phạm sẽ áp dụng mức phạt bằng 02 lần cá nhân.
Mức phạt nêu trên áp dụng đối với những hành vi buôn bán lẻ bánh trung thu. Trong trường hợp sản xuất, nhập khẩu bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ áp dụng mức phạt tiền gấp 02 lần cho cùng hành vi.
Về căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của bánh trung thu, xác định dưa theo thông tin được thể hiện trên bao bì, hộp bánh hay tài liệu kèm theo sản phẩm bánh trung thu cũng như chứng từ chứng nhận xuất xứ sản phẩm bánh trung thu, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với sản phẩm bánh trung thu và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất bánh trung thu với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Hi vọng, những thông tin trên sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc của quý bạn đọc. Nếu còn những thắc mắc liên quan, xin mời quý khán giả gửi nội dung câu hỏi đến Trạm tin thị trường, thông qua đường dây nóng của Báo Công Thương 0866.59.4498.
Cảnh giác các chiêu trò lợi dụng bão lũ để lừa đảo quyên góp hỗ trợ đồng bào thiên tai
Cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại to lớn cả người và tài sản. Cùng với đó, mưa lũ sau bão cũng đã gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng trên nhiều địa phương. Hiện nay, những thông tin về tình hình mưa lũ tại miền Bắc đang là thông tin nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ nhất trên mạng xã hội.
Thế nhưng, bên cạnh những thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng thì vẫn có tình trạng một số kẻ lợi dụng tình hình thiên tai đã cố tình đưa ra các thông tin sai sự thật. Thậm chí một số đối tượng đã giả mạo các đơn vị, tổ chức để kêu gọi quyên góp lừa đảo.
Ngày 7/9 vừa qua, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đến nay, dù đã bị nhiều người report và báo chí đưa tin, fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.
Tiếp đến ngày 11/9, trên mạng xã hội xuất hiện trang fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) để lừa đảo, bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu.
Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.
Không chỉ tạo fanpage giả để kêu gọi từ thiện, mạng xã hội những ngày qua còn lan truyền nhiều tin giả về việc người dân vùng bão lũ, mất điện, không có mạng có thể nhập cú pháp gửi 191 để được dùng Internet miễn phí của Viettel.
cấp)
Chưa hết, một số đối tượng lợi dụng sự quan tâm của người dân đã phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật trên các trang mạng xã hội về tình hình lũ lụt như tin giả về vỡ đê Yên Lập (Phú Thọ), vỡ thủy điện ở Bát Xát (Lào Cai), vỡ đê Sông Cầu, vỡ đê ở Bắc Giang,... Các cơ quan chức năng đã phát đi cảnh báo tin giả, khẳng định các thông tin nói trên, được lan truyền trên mạng xã hội là không đúng sự thật.
Theo các chuyên gia, người dùng nên cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, tránh chuyển tiền từ thiện nhầm. Đặc biệt trong tình hình bão lũ phức tạp, người dân cũng không nên làm theo các hướng dẫn chưa được kiểm chứng trên Internet đồng thời chủ động cập nhật tin tức từ các kênh chính thống hoặc tổng đài hỗ trợ khi cần
Thanh niên Quản lý thị trường gửi hàng cứu trợ, san sẻ khó khăn cùng bà con rốn lũ
Hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính theo Công điện số 90/CĐ-TTg về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sau cơn bão số 3 Yagi, ngày 12/9/2024, Đoàn thanh niên cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) tổ chức hỗ trợ, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Địa điểm mà Hiệp hội VACIP và Đoàn Thanh niên Tổng cục hướng đến là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng - những địa phương đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hoàn lưu bão số 3.
Hàng hóa được chuẩn bị để gửi lên là những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao sau bão lũ như: 1.000 suất thuốc (thuốc đau bụng, cảm cúm, hạ sốt, nước muối, xịt vết thương…), 300 thùng nước sạch, 100 thùng mì tôm, 50 thùng lương khô, 4.500 gói cháo tươi…
Những món quà ý nghĩa này sẽ chia sẻ phần nào khó khăn của người dân ở 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, mong người dân sớm khắc phục được hậu quả mưa lũ, trở lại cuộc sống bình thường
Trước đó, Đoàn Thanh niên Tổng cục Quản lý thị trường cũng như lực lượng thanh niên Quản lý thị trường cả nước đã quyên góp, ủng hộ tiền để hỗ trợ bà con khu vực Lào Cai. Số tiền hỗ trợ đã được Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai mua nhu yếu phẩm là rau xanh, nước sạch, đồ ăn… để gửi đến bà con sinh sống tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - một trong những địa bàn cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hoàn lưu của cơn bão số 3.
Tham gia phát miễn phí hàng hỗ trợ, ông Trịnh Ngọc Cường - Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai - cho biết, ngay sau khi nhận được số tiền hỗ trợ từ các đoàn viên, thanh niên trong lực lượng, Quản lý thị trường Lào Cai đã mua rau xanh, bánh mì, nước sạch... lập các điểm phát hàng miễn phí tới bà con huyện Bảo Yên, Lào Cai.
Những món quà tuy nhỏ nhưng đó là việc làm có ý nghĩa hơn bao giờ hết ở thời điểm hiện tại để gửi đến bà con đã và đang chịu ảnh hưởng từ bão lũ. Hành động này đã và đang phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái, là lành đùm lá rách", san sẻ gánh nặng khó khăn, giúp đỡ phần nào bà con sớm ổn định lại cuộc sống.
Tổng cục Quản lý thị trường huy động toàn lực lượng quyên góp ủng hộ bà con vùng lũ
Ngày 12/9, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh ký ban hành Công văn số 2606/TCQLTT-VPTC gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ số 3 gây ra.
Trong những ngày vừa qua, cơn bão số 3 (còn gọi là siêu bão Yagi) với cường độ rất mạnh đã tràn vào các tỉnh miền Bắc nước ta, với sức gió siêu mạnh, cơn bão đã gây ra sức tàn phá rất lớn gây mưa và lũ lụt xẩy ra ở nhiều nơi.
Thực hiện chỉ đạo và phát động của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ, Công đoàn Bộ Công Thương, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái, là lành đùm lá rách”, Tổng cục Quản lý thị trường kêu gọi toàn thể công chức, người lao động đang công tác tại Tổng cục Quản lý thị trường cùng chung tay quyên góp ủng hộ đồng bào đang phải đối mặt, gồng mình gắng chịu những khó khăn do thiên tai gây ra, góp phần giúp đồng bào vơi bớt những khó khăn mất mát gặp phải, vượt qua bão, lũ để ổn định cuộc sống.
Để công tác ủng hộ được nhanh chóng, thiết thực và hiệu quả, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến, vận động công đoàn viên tại đơn vị mình cùng chung tay ủng hộ mỗi người một ngày lương trở lên. Số tiền ủng hộ gửi về Tổng cục Quản lý thị trường theo 2 hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản về Công đoàn Cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường - số 91 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được Công đoàn Cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường tổng hợp, báo cáo và thực hiện theo chỉ đạo chung, đảm bảo đúng mục đích, công khai, minh bạch.