Hé lộ nguyên nhân ban đầu gây ra sạt lở kinh hoàng tại Làng Nủ
Sáng ngày 2/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Thảm họa Làng Nủ - nguyên nhân và giải pháp phòng tránh”. Tại đây, các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu và điều tra thực địa về trận lũ quét - lũ ống xảy ra vào ngày 10/9 tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Theo PGS-TS Nguyễn Châu Lân (Trường Đại học Giao thông vận tải) và nhóm cộng sự, nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa là do 1,6 triệu m³ bùn đất, đá và nước đã dội xuống thôn Làng Nủ chỉ trong khoảng 300 giây. Khối sạt trượt này xuất phát từ đỉnh núi Con Voi, cách ngôi làng khoảng 3,6km, và bị tắc nghẽn tại một khu vực hẹp, vô tình tạo thành đập chắn tự nhiên, làm tăng nguy cơ vỡ lũ.
Các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu và điều tra thực địa về trận lũ quét - lũ ống xảy ra tại thôn Làng Nủ. Ảnh: suckhoedoisong |
Trong quá trình di chuyển, vận tốc dòng lũ ở đoạn dốc đạt tới 20m/giây, nhưng khi đến khu vực bằng phẳng, vận tốc giảm xuống còn khoảng 2-3m/giây. Mặc dù vậy, tốc độ này vẫn quá nhanh để người dân kịp thoát nạn. Tổng lượng mưa tích lũy tại thời điểm xảy ra lũ lên tới 633mm, với lượng mưa theo giờ đạt 57mm, là yếu tố góp phần gia tăng mức độ nghiêm trọng của trận lũ ống.
Trận lũ đã xóa sổ toàn bộ thôn Làng Nủ với 37 hộ dân và 158 nhân khẩu. Đến ngày 20-9, số người thiệt mạng được ghi nhận là 54 người, 13 người mất tích và 14 người bị thương, trong khi 87 người may mắn thoát nạn.
Các nhà khoa học đã đưa ra khuyến cáo, cần tránh xây dựng nhà ở gần bờ suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở. Để giảm thiểu nguy cơ, các địa phương cần triển khai biện pháp che phủ các vết nứt địa chất bằng vải bạt và hệ thống dẫn thoát nước ngang, giúp ngăn nước thấm sâu và hạn chế nguy cơ sạt lở.