Doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn
Trong những năm qua, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đáng chú ý, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tiên phong đóng vai trò trụ cột như năng lượng, công nghiệp công nghệ cao, cơ khí, điện tử…đã tạo đòn bẩy và kiến tạo những thay đổi cho nền kinh tế của Việt Nam trong hiện tại và tương lai, qua đó góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự chủ, tự lực tự cường.
Vì vậy, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.
Nhận thấy đội ngũ doanh nhân là một trong những yếu tố cốt lõi để xây dựng kinh tế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới. Trong đó, phấn đấu đến năm 2045, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ phát triển về cả quy mô và năng lực, nâng cao vị thế và uy tín khu vực quốc tế, một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu trên thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn |
Hiện Việt Nam đã có 172 doanh nghiệp và 325 sản phẩm làm thương hiệu quốc gia, trong đó có một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và quốc tế. Thành tựu này không thể không kể đến những đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp mũi nhọn được ví như “quả đấm thép” của nền kinh tế.
Họ đã đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 35 về quy mô kinh tế và nằm trong top 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới với 435 tỷ USD. Việt Nam cũng nằm trong top 20 nước về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới. Với độ mở nền kinh tế cao, đạt gần 200% so với quy mô GDP, Việt Nam là nền kinh tế năng động trong ASEAN.
Không chỉ tăng nhanh về quy mô số lượng, năng lực quản trị, trình độ kiến thức, kỹ năng kinh doanh và chuyên môn của doanh nhân Việt Nam ngày càng nâng cao, tạo ra sản phẩm “made in Việt Nam” gây tiếng vang trên trường quốc tế. Hiện đã xuất hiện ngày càng nhiều những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển.
Các sản phẩm phong phú, chất lượng cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước
Đặc biệt, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đi đầu trong chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới như AI, chip bán dẫn, hydrogen, xanh, tuần hoàn… Qua đó chủ động đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Để phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn, Đảng và nhà nước đã liên tục xây dựng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ việc tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, đất đai, đổi mới công nghệ, đồng thời được hưởng nhiều ưu đãi về thuế.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. Tăng cường xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước và sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ doanh nhân, trong tương lai, các ngành công nghiệp mũi nhọn Việt Nam sẽ tiếp tục mở ra những triển vọng sáng láng, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc công nghiệp trong khu vực châu Á và thế giới.