79 năm hình thành và phát triển của Báo Công Thương: Dấu mốc lịch sử
Xuôi dòng lịch sử, đúng ngày này 79 năm trước - ngày 2/10/1945, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký Nghị định số 08-BKT/VP về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế, tiền thân của Bộ Công Thương ngày nay. Nghị định quy định bộ máy của Bộ có Phòng ba – Phòng Kinh tế tập san trong số Phòng các sự vụ với nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san- ấn phẩm tiền thân đầu tiên của Báo Công Thương ngày nay.
Từ đó đến nay, Bộ Công Thương đã qua nhiều lần tách nhập, với nhiều mô hình tổ chức cho phù hợp với mô hình quản lý từng thời kỳ của đất nước. Và trong dòng chảy đó, Báo Công Thương cũng được tổ chức với nhiều tên gọi trước khi xuất bản số đầu tiên dưới manchette “Công Thương” từ ngày 1/4/2008.
Đối với mỗi một cơ quan, tổ chức, những cột mốc quan trọng nhất là ngày truyền thống, ngày thành lập và riêng với cơ quan báo chí có thêm ngày xuất bản số báo đầu tiên. Nhận thức sâu sắc được điều này, từ năm 2022, giữa bộn bề công việc của công tác xuất bản báo chí, lãnh đạo Báo Công Thương đã dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu các tư liệu lịch sử phục vụ cho việc xác định ngày truyền thống của tờ báo.
Và với tinh thần nghiêm túc, khách quan, khoa học và hết sức cầu thị, sau khi nghiên cứu các điều kiện cần thiết và chuẩn bị các tư liệu, tài liệu, Báo Công Thương tổ chức hội thảo Hội thảo xác định ngày thành lập, ngày truyền thống của Báo Công Thương với sự tham gia của các cán bộ lão thành, chuyên gia lịch sử, nhà báo, nhà nghiên cứu uy tín.
Báo Công Thương đạt giải cao trong các cuộc thi báo chí chính luận. (Ảnh: Thái Mạnh) |
“Ôn cố tri tân”, một hoạt động đặc biệt ngay sau Hội thảo là ngày 16/9/2023, đồng chí Nguyễn Văn Minh và đoàn công tác của Báo Công Thương đã vào TP. Hồ Chí Minh, có cuộc gặp gỡ, tham vấn quý giá đối với học giả Nguyễn Đình Đầu, từ đó góp phần củng cố thêm những cơ sở hết sức có ý nghĩa cho việc hoàn thiện công tác xác định thời điểm Ngày truyền thống của Báo Công Thương.
Theo đó, phương án chọn ngày 2/10/1945, được xác định là ngày truyền thống của Báo Công Thương vừa có ý nghĩa lịch sử, thể hiện chiều dài lịch sử, bề dày lịch sử của tờ báo, vừa có tài liệu, quyết định của cơ quan có thẩm quyền chứng minh, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống và giá trị nhân văn sâu sắc. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về công nhận ngày truyền thống được quy định tại Nghị định số 111/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Đến ngày 19/6/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc tại Báo Công Thương nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và công bố Quyết định số 1599/QĐ-BCT ngày 18/6/2024 về việc công nhận Ngày truyền thống của Báo Công Thương là ngày 2/10 hàng năm.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngày 2/10/1945, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà – thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Nghị định số 08-BKT/VP về tổ chức bộ máy và hoạt động của Bộ Quốc dân Kinh tế, trong đó Phòng Kinh tế tập san có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san. Sau nhiều thời kỳ, nhiều lần đổi tên, ngày nay Việt Nam kinh tế tập san có tên Báo Công Thương.
Qua thu thập dữ liệu lịch sử, nhất là qua theo dõi trực tiếp, chỉ đạo thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng chung đánh giá, Báo Công Thương, các cơ quan truyền thông trong ngành Công Thương đã nỗ lực và thu được những thành quả rất quan trọng.
Thay mặt toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên Báo Công Thương, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo các đơn vị, cá nhân liên quan… đã quan tâm, hỗ trợ trong quá trình minh định Ngày truyền thống của Báo Công Thương. Sự công nhận này không chỉ là niềm vinh dự lớn lao mà còn là động lực để Báo Công Thương tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng thông tin, tăng cường tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp.
Trải qua chặng đường 79 năm hình thành và phát triển, tập thể Báo Công Thương đã không ngừng nỗ lực với tinh thần vừa xây dựng vừa triển khai các nội dung của đề án đổi mới tờ báo. Trên góc độ tổ chức, các phòng ban được sắp xếp tinh gọn hơn, phù hợp với việc triển khai nhiệm vụ chính trị và chuyên môn; phong cách làm báo được đổi mới mạnh mẽ, theo hướng chủ động, nhanh nhạy và quyết liệt hơn. Những thông điệp chỉ đạo quan trọng của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương được thực hiện kịp thời, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của ngành Công Thương, tạo cơ sở cho sự đồng thuận với các chủ trương điều hành của Bộ.
Sự đổi mới quyết liệt của Ban biên tập Báo Công Thương trong việc đẩy mạnh phát triển nội dung, nâng cao tính định hướng, tính chiến đấu của tờ báo đã mang lại những kết quả tích cực và nổi bật.
Đặc biệt, kể từ khi Báo Công Thương điện tử ra đời năm 2013 với tên miền www.congthuong.vn đến nay,theo đánh giá của giới chuyên môn, mặt trận tuyên truyền của ngành Công Thương cùng với ấn phẩm báo in, Báo Điện tử Công Thương đã đánh dấu bước phát triển mới có ý nghĩa.
Hơn 10 năm phát triển, Báo Điện tử Công Thương đổi mới, tính chiến đấu, phản biện bước đầu được nâng cao, các nền tảng mạng xã hội đã được xây dựng và đang phát triển; từng bước tạo nền tảng để phát triển theo hướng đa phương tiện.
Đáng chú ý, ngày 2/8, trang xếp hạng quốc tế Similarweb đã có thay đổi về phương thức xếp hạng mới đối với các trang website trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thứ tự xếp hạng các trang web báo chí, tin tức, truyền thông Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. Nếu như tháng 2/2022, theo xếp hạng của Similarweb, Báo Công Thương điện tử chỉ xếp hạng vị trí 626 thì đến tháng 12/2023, Báo vươn lên vị trí thứ 54, và hiện nay thuộc Top 30 trong số các báo chí, trang tin điện tử có số lượng người xem cao nhất tại Việt Nam.
Với việc lọt Top 30 tờ báo có số lượng người xem cao nhất tại Việt Nam, Báo Công Thương đã về đích sớm 1 năm so với mục tiêu năm 2025 mà Đề án Đổi mới Báo Công Thương đề ra. Đồng thời, sự xếp hạng nêu trên cũng cho thấy, hướng đi đúng của Báo Công Thương trong việc phát triển báo chí theo xu hướng đa phương tiện, chuyển đổi số. Đây cũng là kết quả của nỗ lực đổi mới toàn diện về cả nội dung lẫn hình thức truyền thông của Báo trong hơn hai năm vừa qua.
Xác định, trong bối cảnh ngành truyền thông trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, cùng các xu hướng mới gắn với tư duy, công nghệ mới; thuận lợi, thách thức đan xen, Báo Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đưa ra những mục tiêu, giải pháp mới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đang là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương – Diễn đàn của Giới Công Thương Việt Nam theo hướng tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động cả về nội dung truyền thông lẫn kinh tế báo chí; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số mạnh mẽ, thích ứng với xu hướng chung của báo chí và tình hình đất nước.
Dù còn những thách thức phía trước, song với kết quả vượt bậc đã đạt được hôm nay đã và sẽ là niềm tự hào và là động lực to lớn để mỗi cán bộ, phóng viên, người lao động tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, phấn đấu đưa tờ Báo vững bước đi lên, đạt được mục tiêu đề ra.