TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng đổi mới sáng tạo vào vận hành quản lý doanh nghiệp, khu vực công
Với nền tảng mô hình mô phỏng thủy lực theo thời gian thực và phần mềm WaterGEMS, ứng dụng này đã giúp đơn vị quản lý có thể dễ dàng phát hiện vị trí rò rỉ trên đường ống nước. Qua đó giải quyết các bài toán thất thoát nước, giảm bớt thời gian, nhân lực dò tìm thủ công trên mạng lưới đường ống lắp đặt. Nhờ đó giúp đơn vị quản lý kịp thời có phương án xử lý khi có sự cố bất ngờ xảy ra, đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân.
Tính đến 5 tháng đầu năm 2024, mô hình thủy lực theo thời gian thực này đã góp phần giảm tỷ lệ thất thoát nước của mạng lưới cấp nước từ 14.16% (năm 2022) xuống còn 10.63% (năm 2024).
Bà Phạm Ngọc Nhã Thy – Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức cho biết: “Dự án này đã được tiến hành thực hiện vào khoảng đầu năm 2023 cho đến giữa năm 2024 thì dự án đã được tiến hành thực hiện trên hai khu vực nhỏ là DMA Trần Não 1 và Trần Não 2. Trong khoảng thời gian hơn 1 năm được tiến hành thì đã giúp tiết kiệm được khoảng là 13.000 mét khối nước thì tương ứng với giá nước hiện nay thì có thể tiết kiệm được là 88 triệu đồng. Toàn bộ phạm vi quản lý của đơn vị thì tương ứng với khoảng là 108 DMA khác thì ước tính có thể tiết kiệm lên tới 4,7 tỉ đồng và ngoài cái việc là nó có thể mang lại những hiệu quả về kinh tế thì nó có thể mang lại hiệu quả về năng suất lao động, nó có thể tiết kiệm được khoảng 50 cho đến 60 % sức lao động.”
Bên cạnh giải pháp thông minh trên thì hiện nay, nhiều đơn vị công tại TP. Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào trong việc vận hành và quản lý, phục vụ người dân.
Chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 1/2024, “Hệ thống quản lý tập trung các đơn vị kinh tế Quận 11 trên nền tảng GIS” đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, điều hành lĩnh vực kinh tế tại địa phương. Giải pháp cung cấp khả năng tổng hợp dữ liệu từ các nguồn khác nhau một cách nhanh chóng hiệu quả; dữ liệu khi đưa vào hệ thống sẽ được tự động đồng bộ, chuẩn hóa để đưa ra thông tin, biểu đồ phân tích; đồng thời, ứng dụng bản đồ số, bảng hiển thị trực quan để đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình phân bổ các đơn vị kinh tế theo địa bàn, lĩnh vực, quy mô, loại hình, số liệu lao động… làm cơ sở giúp Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường và các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác quản lý, điều hành.
Ông Châu Kiến Quang - Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận 11 chia sẻ: “Chúng tôi an tâm với số liệu đó, khi mà đưa vào cái hệ thống quản lý thì từng cái doanh nghiệp, từng cái hộ kinh doanh, từng cái ngành nghề đó hiện lên tổng thể trên toàn địa bàn quận 11. Chúng tôi có thể phân tích được là ngay tại phường nào có doanh nghiệp mạnh, ở phường nào có doanh nghiệp nằm trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu hay là phường nào là có cái lĩnh vực mạnh về thương mại dịch vụ, ngành nghề truyền thống, nó sẽ hiển thị toàn bộ lên cái bản đồ. Một trong những ví dụ minh chứng là chúng tôi có thể cung cấp được doanh nghiệp hoạt động ngay tại tuyến đường trọng điểm về ngành dược tư nhân. Nó mạnh ở phường nào thì chỉ cần một cú nhấp chuột là chúng tôi có thể phân tích được một số điều đó.”
Có thể nói, thời gian qua, hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố đang phát triển sôi nổi hơn bao giờ hết. Để khích lệ và tuyên dương những đóng góp, sáng kiến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, người dân, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chủ trì tổ chức Giải thưởng I – Star. Đây là giải thưởng thường niên, nhằm tôn vinh những ý tưởng, giải pháp thông minh, sáng tạo, mang lại những tác động tích cực cho xã hội.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Điểm nổi bật ở năm nay là xuất hiện hàng loạt giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp, tài chính, du lịch, giáo dục, y tế, hành chính công. Bên cạnh đó còn có nhiều giải pháp cho thành phố thông minh, giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain, giải pháp ứng dụng các công nghệ Internet vạn vật IoT – trí tuệ nhân tạo AI – thực tế ảo VR. Những giải pháp đậm chất đổi mới sáng tạo này đều sẵn sàng để chuyển giao để các cơ quan, doanh nghiệp ứng dụng vào hoạt động quản lý, sản xuất – kinh doanh, mang đến hiệu quả, hiệu ứng tích cực cho cộng đồng và xã hội.”
Bà Võ Thị Mỹ Duyên - Giám đốc đào tạo tại Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ: “Bản thân cảm thấy rất là tự hào khi dự án lọt vào top đề cử của giải thưởng I-Star và đây là một cái ghi nhận hết sức quan trọng đối với team founder cũng như là đội ngũ nói chung, bởi vì đây là một cái sự ghi nhận trong hành trình vừa qua và đây cũng là một cái cơ hội để doanh nghiệp được kết nối với các doanh nghiệp khác trong cái hành trình tạo tác động xã hội bền vững tại Việt Nam, từ đó kết nối các nguồn lực từ bên trong cũng như bên ngoài và tiếp cận đến các đối tượng đang cần sự hỗ trợ từ cái nội dung của dự án.”
Thực tế cho thấy, Giải thưởng I-Star là một cơ hội tốt để các dự án thể hiện sự sáng tạo và đổi mới của mình. Giải thưởng không chỉ giúp nâng cao nhận diện thương hiệu mà còn mở ra cơ hội kết nối với các nhà đầu tư, đối tác và khách hàng, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.