Tại sao Patriot luôn được Ukraine yêu cầu đồng minh cung cấp?
Nếu như nhắc tới Nga, người ta thường biết tới các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 hay S-400, thì Quân đội Mỹ cũng sở hữu dòng tên lửa Patriot kết hợp giữa khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa mạnh mẽ.
Patriot là tổ hợp tên lửa phòng không do Công ty Raytheon phát triển và được đưa vào trang bị quân đội Mỹ từ năm 1984.
Mỗi tổ hợp Patriot gồm 4 thành phần chính là: Thông tin liên lạc; chỉ huy điều khiển; radar cảnh giới và hệ thống dẫn đường. Bốn thành phần này được tích hợp, tạo ra một hệ thống có tính cơ động rất cao.
PAC-3 Patriot (nguồn: sưu tầm) |
Từ các kinh nghiệm thực chiến, các biến thể của Patriot liên tục được nâng cấp với phiên bản mới nhất là PAC-3 mạnh mẽ ở khả năng phòng thủ tên lửa chiến thuật, chiến dịch. Các tổ hợp PAC-3 có tính tùy biến cao và được module hóa để rút ngắn thời gian triển khai, thu hồi trong khoảng 1 giờ.
PAC-3 được đánh giá là tổ hợp tên lửa đánh chặn hiệu quả và đáng tin cậy nhất của quân đội Mỹ. Nhờ cải tiến công nghệ, tổ hợp tên lửa Patriot trang bị PAC-3 có thể lắp 16 hoặc 12 đạn tên lửa trên một bệ. Tương tự như phiên bản trước đó, đạn tên lửa của PAC-3 được đặt trong thùng bảo quản kín cho phép đạn tên lửa có chất lượng và hiệu suất chiến đấu đồng nhất trong mọi trường hợp. PAC-3 đạt tầm bắn tối đa 160km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết với trần bay ngăn chặn mục tiêu lên đến 24km.
Ở các phiên bản mới nhất PAC-3, tổ hợp Patriot sử dụng đạn đánh chặn động năng hit to kill. Theo đó, tên lửa đánh chặn mang theo đầu đạn tiêu diệt mục tiêu bằng cách va chạm trực tiếp. Phương thức này đảm bảo khả năng tiêu diệt mục tiêu cao, nhưng cần hệ thống dẫn đường chính xác và tin cậy.
Đến nay, hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 đã được nâng cấp toàn diện và được trang bị trong quân đội của 16 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chúng đang là xương sống của hệ thống phòng không và là 1 thành phần trong “lá chắn tên lửa” của Mỹ. Tuy nhiên, hệ thống vũ khí phòng không này lại có màn thể hiện không mấy ấn tượng tại chiến trường Ukraine, nhưng vẫn được Kiev yêu cầu Mỹ và đồng minh tiếp tục chuyển giao.