Chiến sự Nga-Ukraine tối 24/11: Ukraine thừa nhận thế khó của EU; Tên lửa Nga có đang làm NATO 'tuyệt vọng'?
NATO ‘tuyệt vọng’ sau đợt phóng tên lửa Orsenik của Nga
Kênh TASS dẫn lời nhà phân tích chính trị Pepe Escobar trên báo Brasil247 vào hôm 23/11, cho rằng việc Nga sử dụng tên lửa Oreshnik vào ngày 21/11 đã khiến các quốc gia thuộc Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) rơi vào tuyệt vọng. Đồng thời, ông cũng cho rằng khối quân sự này có thể nhận được phản ứng dữ dội từ Nga nếu các hành động “không kích” tiếp tục.
Nhà phân tích chính trị Pepe Escobar. Ảnh: Brasil247 |
"Nếu có một cuộc tấn công phối hợp của NATO hoặc Mỹ từ lãnh thổ Ukraine, nếu các cuộc không kích được thực hiện vào các cơ sở dân sự hoặc quân sự ở Nga, thì phản ứng của Liên bang Nga sẽ rất dữ dội", ông nói. "Việc sử dụng tên lửa Orsenik đã khiến NATO rơi vào tuyệt vọng", ông Escobar nói.
Nhà phân tích cũng kêu gọi NATO chú ý đến các cảnh báo của giới lãnh đạo Nga và ngừng leo thang xung đột. "Những hành động của Washington và các đồng minh đang đẩy thế giới về phía vực thẳm", chuyên gia kết luận.
Cũng trong ngày 23/11, một nhà phân tích chính trị khác là Marcelo Zero cũng đã có bài viết trên báo Brasil247, khẳng định rằng Mỹ và NATO đã có “những sai lầm nghiêm trọng” trước khi Nga phóng tên lửa Oreshnik.
Theo ông Zero, sai lầm lớn đầu tiên là Mỹ và NATO đã từ bỏ Hiệp ước INF - Hiệp ước về Lực lượng hạt nhân tầm trung vào năm 2019. Còn sai lầm lớn thứ hai là việc khối này thông báo về sự triển khai tên lửa tầm trung có khả năng hạt nhân tại Đức từ năm 2026 vào tháng 7 vừa qua. Đây sẽ là những tên lửa có khả năng vươn tới lãnh thổ Nga, nhanh chóng và được phóng từ các bệ phóng di động. Đây sẽ là mối đe dọa thực sự đối với việc hạt nhân hóa cuộc xung đột Ukraine.
Ông Zero khẳng định, thành công của tên lửa Oreshnik đang là lời cảnh tỉnh cho các chiến lược gia NATO.
“Mọi thứ đã diễn ra không như mong đợi. Châu Âu hiện không có khả năng phòng thủ trước các loại vũ khí mới của Nga, có thể tấn công mọi trung tâm chính trị và công nghiệp của lục địa đó bằng sức mạnh tàn phá, bao gồm cả năng lượng hạt nhân, và chỉ với vài phút cảnh báo. Châu Âu nên quay trở lại bàn đàm phán với tốc độ siêu thanh” - Chuyên gia người Brazil tuyên bố.
Vào ngày 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành một cuộc tấn công kết hợp vào cơ sở công nghiệp quốc phòng Yuzhmash của Ukraine để đáp trả các cuộc tấn công bằng vũ khí của Mỹ và Anh vào Liên bang Nga. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng tên lửa đạn đạo tầm trung được thử nghiệm có tên là Oreshnik. Theo Tổng thống Nga, hiện tại không có biện pháp đối phó nào đối với tên lửa Oreshnik; do chúng có tốc độ 2-3 km mỗi giây. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng vũ khí tầm xa chống lại Liên bang Nga không thể ảnh hưởng đến tiến trình của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ukraine "thua đậm" tại Kursk
Kênh Reuters dẫn nguồn tin quân sự cấp cao Ukraine, cho rằng quân đội nước này đã mất hơn 40% lãnh thổ kiểm soát ở tỉnh biên giới Kursk, khi Nga tăng cường các đợt phản công.
"Chúng tôi từng kiểm soát 1.376 km2 nhưng giờ đã thu hẹp. Đối thủ đang gia tăng các đợt phản công và chúng tôi giờ kiểm soát khoảng 800 km2. Chúng tôi sẽ cố giữ phần lãnh thổ này miễn là vẫn duy trì đủ năng lực quân sự", một nguồn tin thuộc Bộ Tổng tham mưu Ukraine quyên bố.
Nguồn tin cho biết Nga đã triển khai khoảng 59.000 quân tới vùng Kursk kể từ sau khi Ukraine bất ngờ tấn công vào khu vực biên giới hồi đầu tháng 8.
Chiến dịch Kursk của Ukraine là cuộc tấn công trên bộ đầu tiên của lực lượng nước ngoài nhắm vào Nga kể từ Thế chiến II. Mục tiêu của Kiev là buộc Moscow phải rút quân về bảo vệ tỉnh biên giới để ngăn bước tiến của quân Nga ở chiến trường miền đông và đông bắc Ukraine, cũng như tạo đòn bẩy cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky tại bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.
Tuy nhiên, tình hình không như Ukraine kỳ vọng khi lực lượng Nga vẫn duy trì đà tiến quân ở khu vực Donetsk. Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine ngày 11/11 cho biết họ không chỉ phải chiến đấu với quân tiếp viện của Nga ở Kursk, mà còn phải tìm cách tăng cường cho mặt trận miền đông và chuẩn bị cho nguy cơ quân Nga tấn công ở miền nam.
Chiến sự Nga - Ukraine đang leo thang sau khi Ukraine được gỡ rào vũ khí tầm xa. Nước này đã khai hỏa tên lửa ATACMS của Mỹ và tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào sâu trong lãnh thổ Nga. Ngày 21/11, Nga phóng tên lửa đạn đạo tầm trung mới vào thành phố Dnipro của Ukraine để đáp trả.
Quan chức Ukraine được cho là đang thảo luận với Mỹ và Anh về hệ thống phòng không mới có khả năng bảo vệ các thành phố và người dân Ukraine khỏi các cuộc tấn công. Nguồn tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết quân đội cũng đã thực hiện biện pháp tăng cường phòng không ở thủ đô Kiev, cũng như lên kế hoạch tương tự cho thành phố Sumy ở phía bắc và Kharkov ở đông bắc.
Nga hiện kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Putin tuyên bố muốn Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập liên minh NATO và rút quân khỏi những khu vực mà Nga kiểm soát, nhưng Ukraine kịch liệt phản đối.
Đại sứ Ukraine thừa nhận EU chưa sẵn sàng để đối đầu với Nga
Hãng tin Ukraina Pravda vừa đây đã có buổi phỏng vấn với Đại sứ Ukraine tại Anh, đồng thời là cựu Tổng tư lệnh Ukraine, ông Valery Zaluzhny. Trong đó, Đại sứ Ukraine thừa nhận rằng các quốc gia Châu Âu chưa chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự kéo dài với một quốc gia như Nga, vì kho tên lửa phòng không đắt tiền của họ không đủ cho một cuộc xung đột cps cường độ cao.
Ông Zluzhny khẳng định, vào tháng 10, hơn 1.800 máy bay không người lái và tên lửa của Nga đã nhắm vào lưới điện của Ukraine và vào tháng 11, con số đó đã vượt quá 3.000.
"Các quốc gia châu Âu, hay thậm chí là Anh, hiện có 5.000 tên lửa cho hệ thống Patriot để đánh chặn bom dẫn đường không? Tôi có phần nghi ngờ điều đó", ông Zaluzhny nói. "Nếu chúng ta đang nói về các hoạt động quân sự ngắn hạn, thì các quốc gia châu Âu rất có thể đã sẵn sàng. Nhưng bản chất của câu hỏi là liệu họ có chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiêu hao hay không. Về mặt này, chúng ta có thể nói rằng họ rõ ràng chưa sẵn sàng”.
Ông Zaluzhny nhấn mạnh rằng trong khi phòng không sẽ phải đối phó với một số lượng lớn mục tiêu trong một cuộc xung đột kéo dài, thì kho tên lửa đánh chặn luôn bị hạn chế và việc sản xuất tên lửa mới rất tốn kém và phức tạp. Mỗi tên lửa đánh chặn PAC-3 được sử dụng trong hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất có giá khoảng 4 triệu đô la, theo các nguồn tin quân sự Hoa Kỳ.
Gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào các cơ sở công nghiệp quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine để trả đũa các cuộc đột kích xuyên biên giới của Kiev và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự và cơ sở dầu mỏ của Nga.
Vào ngày 21/11, Moscow đã sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung mới, Oreshnik, lần đầu tiên chống lại khu phức hợp công nghiệp Yuzhmash ở Dnepropetrovsk - một cơ sở sản xuất hàng không vũ trụ được thừa hưởng từ Liên Xô mà Ukraine đã sử dụng để sản xuất tên lửa.
Cuộc tấn công là một biện pháp trả đũa cho việc sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp chống lại lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận. Theo Điện Kremlin, Ukraine không thể sử dụng những vũ khí như vậy nếu không có "sự tham gia trực tiếp" của quân nhân phương Tây.