Toàn cảnh thế giới 26/11: Nga ‘cảnh báo nóng’ Mỹ, rộ tin Ukraine nhận ‘quà bí mật’ từ Anh
Cựu Tổng thống Nga: “Phương Tây đã vượt mọi lằn ranh đỏ”
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al Arabiya, cựu Tổng thống Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Dmitry Medvedev khẳng định: Các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga đã vi phạm “mọi lằn ranh đỏ” của quốc gia này.
Cựu Tổng thống Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Dmitry Medvedev. Ảnh: Sputnik. |
"Những gì đang diễn ra đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ của Nga", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh tuyên bố.
Theo ông, Tổng thống Nga Vladimir Putin "đã nêu rõ lập trường của mình khi ông đã phê duyệt thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga".
Một ngày trước đó, cựu lãnh đạo Nga đã tuyên bố trên kênh Telagram cá nhân rằng thiệt hại đối với châu Âu do các cuộc tấn công của hệ thống tên lửa Oreshnik sẽ là không thể chấp nhận được. Theo ông Medvedev, do châu Âu không thể bắn hạ tên lửa này, nên giải pháp tốt nhất cho khối này là ngừng hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột.
"Châu Âu đang tự hỏi Oreshnik có thể gây thiệt hại thế nào nếu có đầu đạn hạt nhân, liệu có thể bắn hạ những tên lửa này không và tên lửa sẽ đến thủ đô châu Âu nhanh như thế nào. Câu trả lời là: thiệt hại sẽ là không thể chấp nhận được, họ cũng không thể bắn hạ tên lửa, trong khi Oreshnik có thể đến mục tiêu trong vài phút. Các hầm trú bom sẽ không giúp ích được gì, họ chỉ có thể hy vọng Nga sẽ cảnh báo trước về các vụ phóng. Do đó, họ nên ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine", ông Medvedev tuyên bố
Bình luận về kế hoạch mới của Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Medvedev khuyên nhà lãnh đạo Ukraine nên “gần với thực tế hơn". Ông tuyên bố nhiều quan chức Ukraine sẽ sẵn sàng “thu dọn hành lý” và bỏ cuộc một khi đối mặt với tình cảnh khó khăn.
Ông Zelensky đã trình bày kế hoạch mới về sự phát triển nội bộ của Ukraine vào ngày 20 tháng 11. Kế hoạch bao gồm mười phần, bao gồm các vấn đề từ phát triển kinh tế đến văn hóa, nhưng vẫn chưa được hoàn thiện. Sau bài phát biểu của ông Zelensky, nhiều đại biểu quốc hội Ukraine đã chỉ trích một số điều khoản của kế hoạch này.
Rộ tin Anh bí mật gửi hàng chục tên lửa Storm Shadow cho Ukraine
Tờ Bloomberg đưa tin, Anh đã chuyển giao hàng chục tên lửa hành trình Storm Shadow cho Ukraine, đánh dấu lần chuyển giao vũ khí lớn đầu tiên dưới thời Thủ tướng Keir Starmer.
Theo các quan chức giấu tên do tính nhạy cảm của thông tin, các tên lửa đã được cung cấp trước khi Anh và Mỹ cho phép Ukraine nhắm mục tiêu vào các địa điểm bên trong nước Nga bằng vũ khí tầm xa. Thời gian vận chuyển và số lượng tên lửa vẫn chưa được tiết lộ.
"Chúng tôi không bình luận về chi tiết hoạt động, làm như vậy chỉ có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin", Bộ Quốc phòng Anh nói với Bloomberg. Cơ quan này cũng nhắc lại sự ủng hộ "mạnh mẽ" của Anh đối với Ukraine trong chiến sự.
Gần đây, lực lượng Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công các mục tiêu của Nga ở khu vực Bryansk phía tây, một ngày sau khi triển khai ATACMS do Mỹ sản xuất trong các hoạt động tương tự.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil vào ngày 20 tháng 11, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết chính phủ của ông sẽ "tăng gấp đôi" sự hỗ trợ cho Ukraine nhưng tránh tiết lộ thông tin chi tiết.
Ukraine trước đây đã sử dụng Storm Shadows chống lại lực lượng Nga ở Biển Đen, mặc dù chính phủ Anh chưa xác nhận tổng số lượng được cung cấp kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Các tên lửa, do công ty quốc phòng Anh MBDA sản xuất, có tầm bắn không vượt quá 250 km. Được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến, chúng được thiết kế để bay gần địa hình với tốc độ cao, tăng cường sự chính xác trong việc tấn công các mục tiêu quan trọng.
Nga ra cảnh báo sẽ triển khai tên lửa ở châu Á
Kênh TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, cho rằng Nga không loại trừ việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như một biện pháp trả đũa Mỹ.
"Tất nhiên, đây là một trong những phương án đã được nhắc đến nhiều lần. Sự xuất hiện của những hệ thống như vậy của Mỹ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới sẽ quyết định các bước đi tiếp theo của chúng tôi, kể cả trong lĩnh vực tổ chức phản ứng quân sự và kỹ thuật quân sự", ông Ryabkov trả lời câu hỏi liệu Moscow có đang cân nhắc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở các nước châu Á hay không.
Ông Ryabkov nhấn mạnh, số phận của lệnh cấm triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Nga phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách của Mỹ.
"Tổng thống Vladimir Putin đã nói những gì cần nói. Những gì đang xảy ra phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn mà đối phương của chúng ta sẽ đưa ra vào thời điểm cực kỳ đáng báo động, rất nguy hiểm này và vào đường lối mà họ sẽ theo đuổi", ông cho biết thêm.
Thứ trưởng Ryabkov nói, bất kỳ hoạt động triển khai mới tiềm năng nào cũng sẽ được thúc đẩy bởi các hành động của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Moscow sẽ không cho phép an ninh của mình bị xâm phạm.
Ông Ryabkov tuyên bố, việc Nga sử dụng hệ thống tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới Oreshnik gần đây, không tuân theo các hiệp ước vũ khí hiện hành, là một ví dụ về cách Moscow đang tăng cường khả năng răn đe của mình.
Thứ trưởng Ryabkov nêu rõ, hành động quân sự của Nga là phản ứng trực tiếp đối với các hành động của Mỹ và bất kỳ việc triển khai các hệ thống như vậy của Moscow sẽ là một bước cần thiết để đảm bảo an ninh.
Tổng thống Putin xác nhận, hôm 21/11, Nga đã bắn tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới có tốc độ gấp 10 lần âm thanh vào một tổ hợp công nghiệp quân sự của Ukraine ở thành phố Dnipro. Moscow đã thông báo trước cho Washington về vụ phóng. Ông khẳng định không hệ thống phòng không nào hiện nay có thể đánh chặn Oreshnik. Chủ nhân Điện Kremlin tuyên bố đã chỉ đạo sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik và Nga sẽ tiếp tục các vụ phóng thử nghiệm trong điều kiện tác chiến như vậy.
Ông Ryabkov cảnh báo, các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Âu, bao gồm cả những nơi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, không nằm ngoài danh sách mục tiêu tiềm năng của Nga trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.