Toàn cảnh thế giới 28/11: Israel nhận lô hàng 'triệu đô'; Ukraine bị từ chối bán vũ khí?
Ông Medevedev hé lộ thời gian kết thúc chiến sự
Cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc khi Mỹ và đồng minh ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, kênh TASS dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho biết.
Ông Dmitry Medvedev. Ảnh: Getty |
"Nếu Washington và các vệ tinh của họ ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, cuộc xung đột sẽ kết thúc", ông Medevev nói trong một cuộc phỏng vấn với Al Arabiya TV.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Medvedev khẳng định rằng Nga đã cảnh báo trước cho Mỹ về tên lửa Orsehnick, "Chúng tôi đã thông báo với người Mỹ rằng một tên lửa đạn đạo siêu thanh, có tên là "Oreshnik", sẽ được sử dụng, vì chúng tôi có các thỏa thuận và nghĩa vụ để tránh một cuộc xung đột quốc tế", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh nêu rõ.
Đồng thời, các cuộc tấn công vào khu vực Kursk và Bryansk bằng tên lửa tầm xa của phương Tây càng làm chậm khả năng đàm phán về một giải pháp cho Ukraine, theo ông Medvedev.
"Điều này tất nhiên cũng liên quan đến các cuộc đàm phán, nhưng chúng vẫn còn rất xa, và những sự kiện như thế này chỉ đẩy chúng ra xa hơn nữa", ông nói.
Ông cũng lưu ý đến sự thay đổi chung về tình hình sau những cuộc tấn công này. "Xét đến những gì đã xảy ra, điều này chắc chắn đưa cuộc xung đột lên một giai đoạn căng thẳng hơn nhiều. Đây là sự leo thang của cuộc xung đột", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cho biết.
"Nếu cuộc xung đột phát triển theo kịch bản leo thang, không có gì có thể bị loại trừ, vì các quốc gia thành viên NATO về cơ bản đã tham gia hoàn toàn vào cuộc xung đột này", ông Medvedev lưu ý trong cuộc phỏng vấn.
Ông Medvedev nói, các nước phương Tây phải hiểu rằng họ đang chiến đấu bên phía Ukraine. "Và họ đang chiến đấu không chỉ bằng cách cung cấp vũ khí và nguồn tài chính cho họ. Họ đang chiến đấu trực tiếp vì họ đang nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga và kiểm soát các hành động của tên lửa Mỹ hoặc châu Âu. Họ đang chiến đấu với Liên bang Nga. Và vì điều này là như vậy, không có gì có thể bị loại trừ", chính trị gia này tuyên bố.
Sau đó, theo yêu cầu của một nhà báo, ông đã bình luận về việc liệu Nga có thể tấn công các trung tâm quân sự ở Romania và Ba Lan hay không nếu các tên lửa tầm xa của phương Tây tiếp tục được sử dụng để nhắm vào Nga.
Medvedev giải thích rằng ngay cả "kịch bản khó khăn và đau buồn nhất" cũng có thể xảy ra. "Chúng tôi không muốn một kịch bản như vậy, tất cả chúng tôi đã nhiều lần nói về điều này", phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nhấn mạnh. "Chúng tôi quyết tâm thiết lập hòa bình, nhưng việc thiết lập hòa bình phải tính đến đầy đủ các lợi ích của Nga".
Hàn Quốc không muốn bán vũ khí cho Ukraine?
Hãng thông tấn TASS dẫn lời kênh truyền hình SBS của Hàn Quốc đưa tin, Một phái đoàn đặc biệt của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, do Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov dẫn đầu, đã yêu cầu Hàn Quốc bán vũ khí cho họ. Theo kênh SBS, chính quyền Hàn Quốc đã phản ứng không mấy nhiệt tình với đề xuất này.
Ông Umerov đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yol và Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun vào ngày 27 tháng 11. Theo kênh truyền hình đưa tin, trong quá trình chuẩn bị chương trình nghị sự cho chuyến thăm, phía Ukraine đã bày tỏ mong muốn mua thêm vũ khí so với những vũ khí được viện trợ từ chính phủ Hàn Quốc.
Theo nguồn tin của SBS, phía Ukraine mong muốn có được hệ thống tên lửa phòng không Chongun, radar phòng không và các loại vũ khí pháo phản công. Kyiv đã yêu cầu Seoul bán thuốc phóng cho đạn pháo cỡ nòng 155 mm, nếu việc cung cấp đạn dược đầy đủ là khó khăn, do loại đạn pháo này được phân loại là vũ khí sát thương.
Một số công ty quốc phòng của Hàn Quốc đã nhận được liên hệ từ phía Ukraine liên quan đến việc mong muốn mua vũ khí của họ. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã ra chỉ thị không được giao tiếp độc lập với quốc gia này. Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ phá hủy quan hệ song phương Hàn Quốc và Nga.
SBS lưu ý rằng sau quá trình bàn luận, chính phủ Hàn Quốc đã đi đến kết luận rằng việc cung cấp vũ khí cho khu vực đang diễn ra xung đột có khả năng vi phạm luật pháp. Ngoài ra, lập trường của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người ủng hộ việc nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine, đã trở thành yếu tố hạn chế đối với Seoul. Hơn nữa, Hàn Quốc không có nguồn hàng tồn cho hệ thống Chongun, xe tăng K2 và pháo tự hành K9 để xuất khẩu.
Rộ tin Israel nhận lô vũ khí triệu đô từ Mỹ
Tờ Financial Times đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạm thời chấp thuận lô hàng vũ khí trị giá 680 triệu USD cho Israel, mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố là một lý do để ủng hộ lệnh ngừng bắn với Hezbollah.
Các quan chức Mỹ gần đây đã thông báo cho Quốc hội về kế hoạch cung cấp hàng nghìn bộ đạn dược tấn công trực tiếp chung cho Israel, được gọi là Jdams, cũng như hàng trăm quả bom đường kính nhỏ, theo những nguồn tin của Financial Timess. Việc tiết lộ về một đợt bán vũ khí theo kế hoạch như vậy, mà Quốc hội Mỹ có thể phản đối, thường diễn ra trước khi công bố thỏa thuận.
Đợt bán vũ khí theo kế hoạch, diễn ra khi Israel và Hezbollah bắt đầu thực hiện lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian để chấm dứt hơn một năm giao tranh ở biên giới Israel-Liban.
Netanyahu tuyên bố vào thứ Ba rằng việc bổ sung nguồn cung cấp vũ khí là một trong ba lý do chính cho lệnh ngừng bắn, nói rằng việc tạm dừng giao tranh sẽ "giúp lực lượng của chúng ta có thời gian nghỉ ngơi và bổ sung kho dự trữ".
"Không có gì bí mật khi đã có sự chậm trễ lớn trong việc giao vũ khí và đạn dược", nhà lãnh đạo Israel cho biết. “Những sự chậm trễ này sẽ sớm được giải quyết. Chúng ta sẽ nhận được nguồn cung cấp vũ khí tiên tiến giúp bảo vệ binh lính của chúng ta và cung cấp cho chúng ta thêm lực lượng tấn công để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Nhưng các quan chức Mỹ đã phủ nhận có bất kỳ mối liên hệ rõ ràng nào giữa thỏa thuận ngừng bắn và việc phê duyệt đợt chuyển giao vũ khí mới nhất. Trong khi thỏa thuận ngừng bắn bao gồm một lá thư điều kiện từ Mỹ gửi cho Israel, nêu rõ sự ủng hộ của Washington đối với một số quyền tự do hành động của Israel, những người quen thuộc với văn bản này cho biết nó không bao gồm bất kỳ đảm bảo nào về việc bán vũ khí.
Các quan chức Mỹ cũng phủ nhận rằng đã có sự chậm trễ cố ý đối với các lô hàng vũ khí, ngoại trừ các lô hàng bom 2.000 pound, mà ông Biden đã tạm dừng vào đầu năm nay vì lo ngại về việc sử dụng chúng ở các khu vực đông dân cư của Gaza.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden đã thúc đẩy việc bán vũ khí cho Israel ngay cả khi có lo ngại ngày càng tăng về số người tử vong ở Gaza.
Khoản tiền 680 triệu USD cho bom Jdam và bom đường kính nhỏ nằm ngoài lô vũ khí có trị giá khoảng 20 tỷ USD mà một nhóm Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ, do ông Bernie Sanders lãnh đạo, đã cố gắng ngăn chặn Quốc hội Mỹ thông qua vào tuần trước, vì lo ngại về số người dân thiệt mạng ngày càng tăng ở Gaza.
Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ chiến tranh bổ sung trị giá 26 tỷ USD cho Israel vào tháng 4, tăng thêm 3,8 tỷ USD viện trợ an ninh hàng năm mà Mỹ cung cấp cho Israel.
Vào tháng 10, chính quyền Tổng thống Biden đã đe dọa sẽ cắt viện trợ quân sự cho Israel nếu nước này không thực hiện các bước để cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza và đặt ra thời hạn 30 ngày để cải thiện các điều kiện.
Nhưng ngay cả sau khi lượng viện trợ được chuyển đến Gaza giảm xuống mức thấp kỷ lục, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn rút lại lời đe dọa, nói rằng họ hài lòng rằng Israel đã thực hiện các bước để cải thiện tình hình nhân đạo.
Việc đảo ngược này đã gây ra sự phản đối đáng kể từ một số nhóm ủng hộ Palestine, khi họ cho rằng Israel đã không đáp ứng bất kỳ tiêu chí cụ thể nào mà Mỹ đặt ra và cáo buộc rằng người Palestine ở vùng đất bị chia cắt này đang phải trải qua nạn đói nghèo.