Sơn La: Phát triển bền vững cây cà phê, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc
Sơn La là một trong những tỉnh nghèo, đồng bào dân tộc Thái chiếm phần lớn tỷ lệ dân cư. Với khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, hệ thống núi non trùng điệp được bao quanh bởi các cao nguyên, Sơn La là mảnh đất rất thích hợp để trồng và phát triển cây cà phê. Do đó, cách đây nhiều năm, sau khi người Pháp mang hạt cà phê Arabica chất lượng đến Sơn La, địa phương đã chọn cà phê là một trong những loại cây trồng giảm nghèo chủ lực của bà con dân tộc thiểu số.
Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có hơn 20.000 ha cây cà phê Arabica (chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước). Trong đó, gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương như RA, 4C, VietGAP, sản lượng trên 200.000 tấn quả tươi. Sơn La được công nhận 2 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê với diện tích 1.039,5 ha và 1.560 hộ gia đình tham gia; xây dựng duy trì, phát triển chuỗi cung ứng cà phê an toàn.
Đáng chú ý, nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La, đến nay, tỉnh đã có 4 sản phẩm cà phê được cấp quyết định công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao. Toàn tỉnh có 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp; 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê, tạo công ăn việc làm cho đông đảo bà con đồng bào dân tộc địa phương. Đồng thời, tạo nguồn cà phê chất lượng để phục vụ thị trường.
Song song với đó, Sơn La còn chú trọng các giải pháp quảng bá cà phê Sơn La để đa dạng đầu ra cho sản phẩm. Tiêu biểu, Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023 được tổ chức mới đây đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê Arabica; tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê; góp phần phát triển vùng trồng cà phê Arabica chất lượng cao, bền vững; nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế cà phê Arabica Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước. Từ đó thực hiện tốt mục tiêu liên kết các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê; đưa tỉnh Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nâng cao đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La.
Nhân sự kiện này, Nhà máy chế biến cà phê Sơn La đã được khánh thành tại bản Thống Nhất, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, công suất thiết kế 50.000 tấn quả tươi/năm; gồm dây chuyền xát ướt tiết kiệm nước tuần hoàn và dây chuyền xát khô kín không phát bụi. Công suất tương đương 12.500 tấn cà phê nhân/năm.
Đồng thời, Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce (đơn vị chủ quản chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+/WIN) và Công ty CP Chế biến Cà phê Sơn La đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu khảo sát và phát triển sản phẩm cà phê Sơn La vào hệ thống bán lẻ của WinCommerce nhằm phát triển nguồn hàng chất lượng, bền vững, từ đó, đóng góp vào mục tiêu chung là phát triển chuỗi giá trị sản phẩm và thương hiệu cà phê Sơn La.
Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2030 Phát triển 25.000 ha, sản lượng cà phê nhân 40.000 tấn nhân; Thực hiện tái canh 9.800 ha; Phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; . Hình thành, Phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao; Xuất khẩu 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường: Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan, các nước Nam Mỹ… Từ đó tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc trên địa bàn tỉnh. Để làm được điều này cần tổng hoà rất nhiều giải pháp.
Để nâng cao chất lượng cà phê bắt buộc phải có nguồn nguyên liệu chất lượng. Do đó, các hợp tác xã địa phương đã, đang và sẽ luôn chú trọng hướng dẫn thuyết phục bà còn trong thôn bản làm quen với cách làm cà phê theo kiểu mới. Những người đứng đầu các hợp tác xã không ngừng hỗ trợ và giải thích cho bà con, cầm tay chỉ việc để bà con thay đổi thói quen hái xô cà phê, thu hoạch tất cả quả chín, xanh, non, bị sâu... sang hái chọn quả cà phê chín. Tiếp đó là thay đổi cách vận chuyển, đóng gói, rửa hạt, liên kết với doanh nghiệp để có được nguồn cà phê nguyên liệu tốt nhất phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Từ “sứ mệnh” xóa đói, giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La, giá trị mang lại trong niên vụ 2022-2023 ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Các sản phẩm cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường trên thế giới, góp phần khẳng định thương hiệu “Cà phê Sơn La” nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung trên bản đồ cà phê thế giới. Giống như câu nói: “Người Pháp đã mang cây cà phê Arabica đến Sơn La. Giờ đã đến lúc người Sơn La mang những hạt cà phê tốt nhất đến người tiêu dùng trên thế giới”.