Nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng “sư Thích Minh Tuệ”
Từ chỗ là một người bộ hành thầm lặng kể từ năm 2017, đến năm 2024 ông Thích Minh Tuệ “bất đắc dĩ” trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội, qua hình ảnh một khất sĩ đầu trần chân đất, đắp tấm y chắp vá từ nhiều mảnh vải nhặt được, và ôm ruột nồi cơm điện, đi khất thực dọc theo các tuyến đường từ Bắc vào Nam. Ông Thích Minh Tuệ gây được ấn tượng đặc biệt là ông đang “tự tu” theo hạnh đầu đà – một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não cấu trần, có từ thời Đức Phật tại thế.
Tuy nhiên, sau khi hình ảnh của ông Thích Minh Tuệ xôn xao trên mạng, cũng là lúc bùng nổ một làn sóng truyền thông của các thế lực thù địch nhằm vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm vào các nhà tu hành Phật giáo và tín đồ đạo Phật. Vô số những bài đăng, các video clip được cắt, ghép, dàn dựng, đăng tải những thông tin phiến diện, tiêu cực để chỉ trích, phỉ báng, làm xói mòn niềm tin, chia rẽ cộng đồng Phật tử và hạ uy tín Phật giáo.
Không chỉ vậy, làn sóng chống phá hiện nay của các thế lực thù địch còn lợi dụng hình ảnh "Thích Minh Tuệ” để so sánh với những hình ảnh, phát ngôn chưa chuẩn mực của một số ít tăng sĩ, cố tình tạo ra một sự đối lập, tương phản hòng bôi xấu, “nhuộm đen” cộng đồng tu sĩ Phật giáo nói chung, từ đó gây chia rẽ, gây mất niềm tin đối với người dân và Phật tử.
Nguy hiểm hơn, lợi dụng những “ồn ào” về “hiện tượng Thích Minh Tuệ”, các thế lực, phần tử thù địch cũng nhắm tới mưu đồ chia rẽ tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Việc người bộ hành “Thích Minh Tuệ” tự tu học Phật, với những phát ngôn, hành xử của ông là đúng hay sai, điều đó cần được soi chiếu bằng giáo luật và pháp luật. Nhưng với những diễn biến vừa qua và chắc chắn còn chưa dừng lại, có thể khẳng định hiện tượng “sư Minh Tuệ” chính là cơ hội để các thế lực thù địch, những phần tử bất mãn chớp thời cơ, tận dụng một cách triệt để qua truyền thông xã hội để chia rẽ, hạ uy tín cộng đồng Phật giáo.
Phải khẳng định rằng, chính sách của Đảng ta và hệ thống pháp luật về tôn giáo luôn tôn trọng và đảm bảo quyền do tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Tuy nhiên mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Những hoạt động tôn giáo ích nước lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được đảm bảo. Ngược lại, mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để làm mất trật tự an toàn xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống phá chính sách của Đảng, Nhà nước, hay gây tổn hại các giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa của dân tộc đều bị xử lý theo pháp luật.