Năm của công nghiệp bứt phá, tăng trưởng ngoạn mục
Năm 2024 đi qua, ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước. Đáng chú ý, với vai trò tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô, lĩnh vực công nghiệp đã có những bứt phá mạnh mẽ, ngoạn mục khi tăng trưởng tới 8,4% so với năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trở lại vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Sản xuất công nghiệp cũng phục hồi và tăng trưởng trên diện rộng, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế tiếp tục phát triển như: khai thác, chế biến dầu khí; khai thác, chế biến khoáng sản, điện, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình CNH, HĐH đất nước.
Đáng chú ý, nhiều địa phương như đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước (tăng ở 60/63 địa phương ), nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi nhanh và duy trì đà tăng tích cực như: Bắc Giang 27,7%; Vĩnh Phúc 11,1%; Hảo Phòng tăng 15,3%; Hải Dương 13,9%; Thanh Hóa 19,2%; Quảng Nam tăng 18,6%; HCM tăng 7,1%; Bình Dương tăng 6,8%; Đồng Nai tăng 8% (11 tháng năm 2024).
![]() |
Năm của công nghiệp bứt phá, tăng trưởng ngoạn mục. Ảnh: Gia Hoàng. |
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ được dẫn dắt bởi các chỉ đạo, điều hành chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của Bộ Công Thương trong nhận diện những điểm nghẽn và tham mưu, ban hành các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó. Đồng thời, năm 2024 cũng ghi nhận những nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, địa phương, ngành hàng trong việc chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tìm kiếm thị trường mới và áp dụng công nghệ số.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Chính vì vậy, đòi hỏi mỗi công chức của Cục Công nghiệp ý thức được vấn đề trên để tự giác và tích cực hơn nữa trong công việc của mình, nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa vào công cuộc đổi mới của Cục Công nghiệp nói riêng và của Bộ Công Thương nói chung, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch năm 2025.
Với những thành tích tăng trưởng ngoạn mục năm 2024, tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục bứt phá, xứng đánh trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, tạo dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.