Năm 2025, sản xuất thép có xu hướng tăng trở lại
Năm 2024 tình hình thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine. Tại Trung Quốc - nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ảm đạm, các nhà máy đã giảm công suất sản xuất, lượng tồn kho sản phẩm thép tại Trung Quốc ở mức cao. Năm 2025, dự báo sản xuất thép toàn thế giới có xu hướng tăng trở lại, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024.
Với thị trường trong nước, báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành thép trong nước, sản xuất, kinh doanh thép tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2024, tiêu thụ nội địa dự báo hồi phục nhờ bất động sản nhà ở và sự gia tăng số lượng dự án mới được cấp phép. Sản lượng thép thô dự kiến đạt 24 triệu tấn, thép cán tấm nóng dự kiến đạt 7,2 triệu tấn,thép xây dựng dự kiến đạt 12,7 triệu tấn, đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của WTO và các hiệp định đã ký như FTA, EVFTA, CPTPP đã ký kết để bảo vệ ngành thép Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu.
Cục Công nghiệp cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công suất sản xuất thép của các nhà máy luyện kim trong nước tăng lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đạt từ 40 - 45 triệu tấn mỗi năm vào năm 2023, đạt từ 65 - 70 triệu tấn năm 2050.