Dệt may Việt thoát 'kiếp gia công' nắm bắt cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, dệt may có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu, qua đó tạo giá trị cao hơn trong các đơn hàng xuất khẩu. Ngay cả thị trường nội địa, những sản phẩm “made in Viet Nam” đã tạo vị thế vững chắc, chinh phục người tiêu dùng.
![]() |
Hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp dệt may - Ảnh: Thanh Bình |
Ngành dệt may Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ gia công sản xuất theo đơn hàng sang xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng. Thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động đầu tư, ứng dụng hiệu quả các mô hình, kỹ thuật tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành dệt may Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may thế giới, mang lại ngoại tệ lớn cho đất nước và thu nhập cho khoảng 3 triệu lao động.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, một tín hiệu đáng chú ý khác là nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên các Hiệp định thương mại tự do như Canada, Australia, châu Âu… đã đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, theo các chuyên gia, để có thể tiếp tục giữ vững vị thế, tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam phải nhận diện rõ thực trạng của mình; chủ động, linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính sách, ngành dệt may Việt Nam hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường dệt may quốc tế.