Lực lượng Quản lý thị trường cả nước xử lý hơn 35.000 vụ vi phạm trong 8 tháng đầu năm 2024
Chiều 27/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) chủ trì buổi làm việc với các tỉnh/thành phố và Tổng cục Quản lý thị trường để đánh giá tình hình, kết quả công tác quản lý thị trường 8 tháng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường các hành vi về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 |
Cùng tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo Tổng cục và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Quản lý thị trường; đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ Công Thương.
8 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 50.445 vụ; phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng; trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023; các hành vi về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong 8 tháng năm 2024, Quản lý thị trường cả nước tiếp tục tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, tình hình kinh tế xã hội nói chung và nhiệm vụ của ngành Công Thương nói riêng dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế mở cùng với tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử sẽ ngày càng đặt ra cho công tác Quản lý thị trường nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp hơn.
Do vậy, người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị, mục tiêu chung của công tác Quản lý thị trường thời gian tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đi cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tuyến, địa bàn nhất là dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025.
Đối với Cục QLTT tại tuyến biên giới phía Bắc tập trung xử lý các mặt hàng: Pháo nổ, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, hàng thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm, gia súc, gia cầm;
Các Cục QLTT tại tuyến biên giới Miền Trung - Tây Nguyên tập trung xử lý các mặt hàng: Đường cát, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng;
Các Cục QLTT tại tuyến biên giới Tây Nam tập trung xử lý các mặt hàng: Vàng, thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Không những vậy, lực lượng QLTT cũng chú trọng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng QLTT hoạt động hiệu quả. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, rà soát, hoàn thiện các quy chế phối hợp, chương trình công tác với Văn phòng 389 và các lực lượng chức năng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với các hoạt động SXKD bất hợp pháp, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường.