Kề cận ''tử thần'' tại những đường ngang dân sinh tự mở
Một điểm giao cắt đường ray tại đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. Nơi đây đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu
Anh Lê Thanh Hà (Xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) chia sẻ: “Người nơi khác đến không quen. Đường sắt với đường bộ sát nhau, còi ô tô còn to hơn còi tàu nên là chết rất nhiều”
Hệ thống hộ lan bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt đoạn có, đoạn không. Mỗi đoạn bỏ không lại xuất hiện một đường ngang dân sinh với hiểm họa trực chờ… Mạnh ai người nấy đi, người kê gạch, người đổ bê tông tự tạo lối cắt qua đường ray. Hiện tượng này xuất hiện dọc cả tuyến đường.
Ông Trần Hữu Thọ (Xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cho biết: “Nguyện vọng của nhân dân chúng tôi rất mong muốn có đường gom, để trẻ em, người già đi trong đường gom ấy. Đến một điểm nào đó thì rẽ ra đường chung. Như thế sẽ an toàn hơn rất nhiều”
Về vấn đề này, ông Khương Kim Tạo – Nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia nhấn mạnh: “Cái mấu chốt là trong tương lai chúng ta phải nghiên cứu để kiện toàn lại hệ thống đường sắt. Mà trước mắt đường sắt chúng ta phải kiện toàn là nằm trong thành phố, lưu lượng xe đi lại nhiều mà chúng ta khó quản lý”
Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt năm 2020, thì đến năm 2025, sẽ xóa bỏ toàn bộ các lối đi dân sinh tự mở này. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, mục tiêu này rất khó đạt được, khi nguồn kinh phí để xóa bỏ đường ngang, lối mở dân sinh ở các địa phương chưa được bố trí.
Để xử lý tận gốc vấn đề mất an toàn giao thông, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tích cực vào cuộc nhằm xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự mở, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong chấp hành các quy định về an toàn giao thông, tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm để không còn phát sinh lối đi tự mở và những “ẩn họa” về tai nạn giao thông sẽ dần được hạn chế.