Hàng loạt người xưng danh bác sĩ mặc áo blouse chê bai sữa trái cây: TikTok Việt Nam nói gì?
Vừa qua, Báo Công Thương đã phản ánh tình trạng loạt người xưng bác sĩ, dược sĩ mặc blouse xuất hiện với tần suất dày đặc trên mạng xã hội chê sữa trái cây, khuyên dùng sữa cô gái Hà Lan.
Điển hình, trên kênh TikTok “Bác sĩ Huy” của người tự giới thiệu là bác sĩ Lê Tiến Huy, Phó Viện Trưởng - Viện Khoa Học Công Nghệ Y Dược - quảng cáo, khuyên người dùng sử dụng sữa trắng vì sữa trái cây không cung cấp đủ đạm và canxi.
Trên kênh TikTok hàng trăm ngàn like của “Dược sĩ” Phương Thảo, nữ TikToker này cho biết hiện nay, nhiều mẹ dùng sữa trái cây cho con vì ngon, dễ đổi vị nhưng nếu đặt lên bàn cân với sữa trắng thì có “sự so sánh lệch” vì thực tế sữa trái cây không thể thay thế sữa trắng.
Câu hỏi đặt ra là, liệu có một chiến dịch truyền thông bẩn và hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong ngành sữa ở đây không? Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan như Tiktok Việt Nam và chuyên gia pháp lý nói gì về vấn đề này?
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam cho biết nền tảng không đứng ở vai trò quyết định thông tin đó là đúng hay sai, nhưng nền tảng cung cấp 1 cơ chế là thông tin này là sai sự thật hay đúng sự thật.
Dưới góc nhìn luật sư, bà Nguyễn Thanh Hà đã có đánh giá về tình trạng các bác sĩ online tư vấn bán hàng quá mức, không đúng sự thật trên không gian mạng. “Trên nền tảng TikTok có đăng tải thông tin bác sĩ đưa ra các lời khuyên đối với người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm sữa trắng, thay vì sữa trái cây. Để đưa các sản phẩm trên có lời khuyên như vậy, người quảng cáo cần có tài liệu chứng minh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định việc sữa trắng tốt hơn sữa trái cây, để người tiêu dùng có cơ sở đánh giá cũng như tránh việc nhầm lẫn”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Trên thực tế, nhà nước cũng đã có những quy định cụ thể về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, đặc biệt thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng.
Và bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.