Hàng loạt người xưng danh bác sĩ, mặc áo blouse chê bai sữa trái cây
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội facebook, tiktok xuất hiện hàng loạt clip các cá nhân xưng danh bác sĩ, dược sĩ mặc áo blouse chê bai sữa trái cây, khuyên dùng sữa cô gái Hà Lan.
Trên kênh TikTok “Bác sĩ Huy” của người tự giới thiệu là bác sĩ Lê Tiến Huy, Phó Viện Trưởng - Viện Khoa Học Công Nghệ Y Dược đăng clip câu hỏi, hỏi về loại sữa nào có đẩy đủ thành phần. Đáp án “bác sĩ” này đưa ra là “Sữa trắng”. Theo “bác sĩ” này, sữa bò, đặc biệt là sữa trắng có hàm lượng canxi gấp từ 5 đến 7 lần so với sữa trái cây. Nếu sử dụng sữa trái cây thay sữa trắng trong chế độ ăn uống của con, cơ thể bé không được cung cấp đủ đạm và canxi.
Tương tự, tài khoản tiktok hàng trăm ngàn like của “Dược sĩ” Phương Thảo cũng cho rằng, nhiều mẹ dùng sữa trái cây cho con vì ngon, dễ đổi vị nhưng nếu đặt lên bàn cân với sữa trắng thì có “sự so sánh lệch” vì thực tế sữa trái cây không thể thay thế sữa trắng.
“sữa trắng có đầy đủ các dưỡng chất cho sự phát triển thể chất và trí não của trẻ” - “dược sĩ” Phương Thảo khuyến cáo và lưu ý, các mẹ cần bổ sung sữa trắng “ví dụ sữa Cô gái Hà Lan vào chế độ ăn uống cho trẻ.
Liên quan đến vấn đề này, bà mẹ 2 con Thanh Vân bức xúc: các TikToker này đã so sánh nhầm đối tượng. Khi so sánh, phải so sánh sản phẩm cùng chủng loại, đằng này “bác sĩ” Lê Tiến Huy lại đánh tráo khái niệm, so sánh sữa với thực phẩm dinh dưỡng, hai sản phẩm vốn có mục đích tiêu dùng hoàn toàn khác nhau.
Chị Thanh Vân cho rằng, thay vì tiếp thu kiến thức từ những clip chia sẻ trên, thì chị lại thấy các tiktoker đang “dìm” một dòng sản phẩm để đề cao Dutch Lady.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lên tiếng cảnh báo tình trạng mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm như: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Như vậy, bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có một chiến dịch truyền thông bẩn và hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong ngành sữa ở đây không? Mong rằng các cơ quan chức năng: Bộ Y tế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vào cuộc để làm rõ.