Đưa nông sản, thực phẩm an toàn đến các chợ Hà Nội
Do nguồn nông sản, thực phẩm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân nên các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đóng vai trò vừa cung cấp cho người tiêu dùng Hà Nội lượng nông sản, đặc sản dồi dào, vừa mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm đặc trưng cho các địa phương.
Mang đến hơn 10 sản phẩm từ trà shan tuyết đặc trưng của Hà Giang gồm các sản phẩm trà truyền thống, trà ủ lên men, hồng trà, bạch trà, bạch trà tiên, trà móng rồng… tham dự Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 diễn ra mới đây, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Quốc tế Vạn Long (Hà Giang) cho biết, hiện các sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt các chứng nhận OCOP, hữu cơ, là bảo chứng cho chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm hiện vẫn còn nhiều khó khăn nên những cơ hội xúc tiến thương mại từ các sự kiện như Hội chợ này là dịp rất quan trọng để quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Không chỉ có các sản phẩm trà của Hà Giang, Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 đã thu hút 150 gian hàng của gần 100 đơn vị tham gia đến từ 20 tỉnh/thành phố và các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Hội chợ cũng giúp quảng bá nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, các sản phẩm OCOP của các địa phương như: Na Mộc Châu, tỏi một nhánh Sơn La, mực giã tay Quảng Ninh, mật ong Hưng Yên… Đây đều là những sản phẩm nông sản, đặc sản chất lượng của các địa phương trên cả nước và là các sản phẩm mà Thủ đô Hà Nội có nhu cầu tiêu dùng rất cao.
Theo UBND thành phố, hiện ngành nông nghiệp Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 65,6% sản phẩm gạo, 94,1% sản phẩm thịt lợn, 28,8% sản phẩm trái cây, 94,2% trứng gia cầm, 50% thủy sản… Lượng nông sản thực phẩm còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành trên cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Đặc biệt, các sản phẩm đặc sản vùng miền luôn nhận được sự ưa chuộng đặc biệt của người dân Hà Nội. Do đó, các hoạt động kết nối giao thương luôn là sự kiện quan trọng vì không chỉ giúp quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp mà còn hỗ trợ đáp ứng nguồn nông sản dồi dào cả về số lượng và chất lượng cho người dân Thủ đô.
Cùng với việc đẩy mạnh kết nối nông sản, thực phẩm theo các kênh truyền thống, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh đưa hàng hóa lên các nền tảng thương mại điện tử cũng hết sức cần thiết. Đây cũng là kênh đang được các đơn vị tập trung triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Hiện thành phố Hà Nội có 453 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối, lượng nông sản thực phẩm tại chợ cung ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô. Nguồn hàng nông sản thực phẩm cung ứng cho các chợ trên địa bàn Thành phố rất đa dạng, phong phú…
Để vừa cung ứng nông sản thực phẩm kịp thời về thủ đô, vừa kiểm soát chất lượng sản phẩm, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã tích cực triển khai các nhiệm vụ của Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”.
Bên cạnh đó, công tác giao thương kết nối cũng thường xuyên được đẩy mạnh nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ. Công tác thanh kiểm tra, giám sát được các đơn vị tăng cường thực hiện góp phần kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại chợ...
Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục hợp tác với các đơn vị liên quan đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm và các nội dung, chỉ tiêu của Đề án an toàn thực phẩm tại chợ. Phấn đấu đến hết tháng 12/2025, 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ trên địa bàn được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu các sản phẩm an toàn, có nhãn hiệu, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng của Hà Nội và các tỉnh, thành phố đưa vào hệ thống phân phối của Hà Nội phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân Thủ đô, đặc biệt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.