Điểm tin nóng thế giới ngày 16/8: Ukraine ‘thắng đậm’ ở Kursk; đàm phán Gaza kéo dài thêm 1 ngày
Ukraine ‘khoe’ bắt hơn 100 tù binh Nga, lập văn phòng chỉ huy Kursk
Theo Reuters, ngày 15/8, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Vasyl Maliuk cho biết, lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã bắt giữ một nhóm hơn 100 lính Nga trong cuộc tấn công xuyên biên giới của Kiev vào khu vực Kursk, phía tây nước Nga hôm 14/8.
Hình ảnh được cho là Ukraine bắt giữ tù binh Nga (Nguồn: X) |
"Chúng tôi đã tiến hành một chiến dịch tinh vi, kết quả là 102 người Nga đã bị bắt. Chúng tôi đang suy nghĩ về cách tận dụng tối đa chiến dịch này - đưa những người bảo vệ chúng tôi trở về nhà", ông nói trên Telegram khi đề cập đến khả năng trao đổi tù nhân.
Một nguồn tin trong SBU tiết lộ, 102 quân nhân thuộc Trung đoàn súng trường cơ giới cận vệ 488 của Nga và đơn vị "Akhmat" là nhóm binh lính lớn nhất bị bắt cùng lúc kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công toàn diện.
Cũng trong ngày, Chỉ huy cấp cao của Ukraine cho biết Kiev đã thành lập một văn phòng chỉ huy quân sự ở vùng Kursk của Nga, nơi ông cho biết lực lượng vẫn đang tiến quân, ngay cả khi quân đội Moscow tăng cường các cuộc tấn công ở phía đông Ukraine.
Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi nói với Tổng thống Volodymyr Zelensky trong một đoạn video do nhà lãnh đạo Ukraine công bố rằng, cuộc tấn công cho đến nay đã tiến được 35km vào khu vực Kursk, chiếm giữ 82 khu định cư và diện tích 1.150 km2.
Trong một bài phát biểu, Tổng thống Zelensky đã nói về nhu cầu tiến tới "các bước tiếp theo", ám chỉ đến các hành động tấn công có thể xảy ra khác trên lãnh thổ Nga.
Đàm phán Gaza kéo dài thêm 1 ngày, Israel tiếp tục ném bom Gaza
Theo Reuters, các nhà đàm phán sẽ lại họp tại thủ đô Doha của Qatar vào ngày 16/8 trong nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, trong bối cảnh Israel tiếp tục tấn công các mục tiêu tại vùng đất của người Palestine.
Các quan chức y tế Gaza đã báo cáo hôm 15/8 rằng, số người thiệt mạng ở dải Gaza đã vượt quá 40.000 người sau hơn 10 tháng giao tranh.
Hiện trường vụ Israel không kích trường học ngày 10/8 (Ảnh: AFP) |
Các quan chức Qatar và Hoa Kỳ cho biết, vòng đàm phán này đã bắt đầu và các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong ngày thứ hai.
"Đây là công việc quan trọng. Những trở ngại còn lại có thể được khắc phục và chúng ta phải kết thúc quá trình này", người phát ngôn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Kirby phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng.
Trong khi đó, Israel đã tấn công Gaza. Giới chức y tế Gaza cho biết ít nhất sáu người Palestine đã thiệt mạng vào đêm 15/8 trong một cuộc không kích của Israel vào một ngôi nhà ở Jabalia ở phía bắc Dải Gaza.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày 15/8 trên Telegram, thành viên bộ chính trị Hamas Hossam Badran cho biết các hoạt động liên tục của Israel là trở ngại cho tiến trình ngừng bắn. Ông cho biết các cuộc đàm phán phải hướng tới việc thực hiện một thỏa thuận khung đã được chấp nhận trước đó và đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn, rút quân đội Israel, trả lại người Palestine bị di dời và một thỏa thuận trao đổi con tin.
Mỹ tiết lộ khả năng Israel tiêu diệt hoàn toàn phong trào Hamas
Theo RT, tờ New York Times trích dẫn nguồn tin nội bộ cho biết Chính phủ Mỹ không tin rằng Israel có thể đạt được bất kỳ mục tiêu quan trọng nào ở Gaza bằng cách tiếp tục chiến đấu với Hamas.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấp nhận lệnh ngừng bắn, với điều kiện là các con tin bị phiến quân Palestine bắt giữ trong cuộc tấn công vào nước này hồi tháng 10 năm ngoái phải được trả tự do.
Nhà lãnh đạo Israel đang chịu áp lực từ các thành viên cực hữu trong nội các của mình nhằm ngăn cản thỏa thuận được đề xuất và tiếp tục chiến đấu. Nhà nước Do Thái tuyên bố tiêu diệt Hamas là mục tiêu chính khi họ tiến hành chiến dịch ở Gaza để đáp trả cuộc đột kích vào tháng 10.
Tờ New York Times đưa tin “ngày càng nhiều quan chức an ninh quốc gia trong Chính phủ Mỹ lập luận rằng quân đội Israel đã làm suy yếu nghiêm trọng năng lực của Hamas, nhưng sẽ không bao giờ có thể tiêu diệt hoàn toàn phong trào này”.
Giới chức Mỹ và Israel cũng cho rằng các cuộc giao tranh tiếp diễn sẽ không cho phép Israel giành lại “khoảng 115 con tin sống sót và đã thiệt mạng” còn lại trong tay người Palestine.
Những người theo đường lối cứng rắn trong nội các của ông Netanyahu đã công khai bác bỏ lệnh ngừng bắn được đề xuất. Họ tuyên bố rằng thay vào đó, Israel nên leo thang lệnh phong tỏa vùng đất Palestine.
Trong cuộc phỏng vấn tuần này, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir cho biết: “Nếu chúng ta cắt nhiên liệu của họ, trong vòng một tuần, họ sẽ phải đầu hàng. Và nếu chúng ta dừng các xe tải viện trợ, chỉ trong vòng hai tuần, họ sẽ phải khuất phục”.
Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Israel. Hôm 14/8, Bộ Ngoại giao đã thông báo với Quốc hội rằng Chính quyền Tổng thống Biden đã phê duyệt hơn 20 tỷ USD cho các hợp đồng bán vũ khí mới cho Tel Aviv.
Nga rơi máy bay ném bom siêu thanh, một thành viên phi hành đoàn thiệt mạng
Theo RT, ngày 15/8, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận một máy bay ném bom tầm xa siêu thanh Tupolev Tu-22M3 thuộc Không quân Nga đã bị rơi ở vùng Irkutsk, đông nam Siberia.
Hiện trường vụ rơi máy bay (Hình ảnh cắt từ clip) |
Sự cố nghiêm trọng này xảy ra trong chuyến bay vào khoảng 10 giờ tối giờ địa phương ngày 15/8. Một trong các động cơ của máy bay phản lực dường như đã bốc cháy giữa không trung do nghi ngờ có trục trặc kỹ thuật.
Phi hành đoàn đã cố gắng điều khiển máy bay rơi ra khỏi khu dân cư, đảm bảo không có thương vong cho dân thường hoặc thiệt hại nào trên mặt đất.
Theo chính quyền địa phương, ba phi công thoát hiểm đầu tiên được tìm thấy còn sống và trong tình trạng "ổn định". Trong khi đó, cơ trưởng, người cuối cùng rời khỏi máy bay, được cho là đã bị gãy chân.
Bốn phi công đã được đưa vào bệnh viện với các mức độ thương tích khác nhau, nhưng một người đã tử vong vì vết thương quá nặng, Thống đốc vùng Irkutsk Igor Kobzev cho biết vào sáng sớm 16/8, trích dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng.
Các lời kể của nhân chứng và cảnh quay do cư dân địa phương ghi lại cho thấy vụ tai nạn xảy ra ở một khu vực vắng vẻ. Một số video cho thấy máy bay đang bốc cháy và rơi xuống, trong khi những video khác ghi lại nhiều vụ nổ nhỏ tại địa điểm rơi máy bay.
Tupolev Tu-22M3 là phiên bản hiện đại của máy bay ném bom chiến lược tầm xa siêu thanh có khả năng mang vũ khí hạt nhân lần đầu tiên được sử dụng vào những năm 1970. Chiếc máy bay gặp nạn không phải là phiên bản M3M mới nhất với hệ thống điện tử hàng không và radar được nâng cấp; không rõ liệu máy bay phản lực này có trải qua bất kỳ nâng cấp nào khác hay không.