Điểm tin nóng thế giới ngày 13/8: Tổng thống Putin nói không đàm phán; FBI điều tra vụ lộ tài liệu mật
Ukraine tuyên bố ‘chốt’ 1000km2 biên giới Nga
Theo The Kyiv Independent, Ukraine đã kiểm soát 28 khu định cư ở tỉnh Kursk, sau một tuần tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Nga.
Phát biểu trong cuộc gọi video với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về tình hình đang diễn ra trong khu vực, ông Alexey Smirnov, quyền thống đốc tỉnh Kursk, mô tả tình hình hiện tại đang "khó khăn".
Xe tải quân sự Ukraine chở pháo tự hành 2S7 Pion cùng binh sĩ ở tỉnh Sumy giáp biên giới Nga ngày 11/8 (Ảnh: AFP) |
"Hôm nay, 28 khu định cư đã nằm dưới sự kiểm soát của kẻ thù" - ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng cuộc tấn công đã diễn ra sâu tới 12 km dọc theo mặt trận dài 40km. Tuyên bố của ông Smirnov là bình luận chính thức đầu tiên từ cả hai bên về tình trạng kiểm soát lãnh thổ trong khu vực.
Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết, tính đến ngày 12 tháng 8, lực lượng Ukraine kiểm soát khoảng 1.000 km2 ở Tỉnh Kursk của Nga.
Sau cuộc xâm nhập vào tỉnh Kursk, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby cho biết Washington không thay đổi chính sách cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp "để nhắm vào các mối đe dọa sắp xảy ra ngay bên kia biên giới". Riêng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho rằng, cuộc xâm nhập này không vi phạm chính sách của Hoa Kỳ.
Tổng thống Putin: Không còn lý do để đàm phán với Ukraine
Theo RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine đều là điều không thể chừng nào nước này còn tiến hành các cuộc tấn công vào dân thường và đe dọa các nhà máy điện hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức cấp cao vào ngày 12/8, Tổng thống Putin đã đề cập đến cuộc xâm nhập gần đây của Ukraine vào khu vực biên giới Kursk, cũng như cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gây hư hại cho Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye của Nga.
Ông cho rằng những hành động gần đây nhất của Ukraine cho thấy lý do tại sao nước này từ chối xem xét lại các kế hoạch giải quyết xung đột dựa trên đề xuất của Nga hoặc lộ trình do các bên trung lập đưa ra.
“Nhưng làm sao chúng ta có thể nói về đàm phán với những kẻ tấn công bừa bãi vào dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự hoặc cố gắng đe dọa các cơ sở năng lượng hạt nhân?” - ông cho biết.
Mục tiêu chính của Moscow ở giai đoạn này là đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi lãnh thổ Nga. "Kẻ thù sẽ nhận được phản ứng xứng đáng. Tất cả các mục tiêu của chúng ta chắc chắn sẽ đạt được" - Tổng thống Putin tuyên bố.
Iran tuyên bố ‘cứng’ mặc phương Tây kêu gọi kiềm chế
Theo Al Jazeera, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Ý đã ra tuyên bố chung vào ngày 12/8 bày tỏ "sự ủng hộ đối với những nỗ lực đang diễn ra nhằm giảm căng thẳng" ở Trung Đông và đảm bảo lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến ở Gaza.
Tuyên bố cho biết: "Chúng tôi kêu gọi Iran ngừng các mối đe dọa tấn công quân sự nhằm vào Israel và thảo luận về hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh khu vực nếu một cuộc tấn công như vậy xảy ra".
Theo một tuyên bố được hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA công bố sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết: “Trong khi nhấn mạnh các giải pháp ngoại giao cho các vấn đề, Iran sẽ không bao giờ khuất phục trước áp lực, lệnh trừng phạt và cho rằng Iran có quyền đáp trả những kẻ xâm lược theo đúng các chuẩn mực quốc tế”.
Iran dự kiến sẽ thực hiện lệnh của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei nhằm “trừng phạt nghiêm khắc” Israel, quốc gia mà Iran cho là đã ám sát thủ lĩnh Haniyeh tại Tehran. Hezbollah cũng đã hứa sẽ trả thù sau khi Israel tuyên bố sát hại chỉ huy Shukr ở Beirut .
Bộ chỉ huy quân sự Israel được cho là cảnh giác với xung đột công khai khi tiếp tục cuộc chiến ở Gaza và cuộc chiến chống lại Hamas. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị cứng rắn của đất nước này dường như muốn duy trì giọng điệu lạc quan và đang thúc đẩy hành động quân sự gia tăng.
FBI điều tra sau khi chiến dịch tranh cử của ông Trump nói bị tấn công
Theo Reuters, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) ngày 12/8 cho biết họ đang điều tra sau khi chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump nói rằng hệ thống liên lạc nội bộ của họ đã bị hack và chiến dịch này đổ lỗi cho chính phủ Iran.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: NYT) |
Vừa qua, Cựu tổng thống Donald Trump cho rằng Microsoft đã thông báo cho chiến dịch của mình rằng Iran đã tấn công một trong những trang web của ông. Ông Trump cho biết Iran "chỉ có thể có được thông tin công khai".
Theo tờ Washington Post đưa tin, FBI cũng đang điều tra vụ tấn công mạng được cho là nhắm vào các cố vấn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris.
Theo đó, một nhóm tin tặc có liên hệ với chính phủ Iran đã cố gắng đột nhập vào tài khoản của một "quan chức cấp cao" trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 6. Tin tặc đã chiếm một tài khoản thuộc về một cựu cố vấn chính trị và sau đó sử dụng nó để nhắm mục tiêu vào quan chức này. Báo cáo đó không cung cấp thêm chi tiết về danh tính của các mục tiêu.
Phái đoàn thường trực của Iran tại Liên Hợp Quốc ở New York cho biết trong một email rằng "chính phủ Iran không có hoặc không ấp ủ bất kỳ ý định hay động cơ nào can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ".
"Chúng tôi không tin vào bất kỳ báo cáo nào như vậy", phái đoàn nói thêm để đáp lại cáo buộc của chiến dịch tranh cử của ông Trump.