Điểm nóng 24h ngày 7/8: Nhiều sai phạm “lòi đuôi” hậu vụ tai nạn tàu chở hàng trên sông Vàm Nao
Nhiều sai phạm “lòi đuôi” hậu vụ tai nạn tàu chở hàng trên sông Vàm Nao
Sáng 7/8, trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang cho biết, sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông thuỷ trên sông Vàm Nao, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn thuyền trưởng tàu biển và phà khách có kết quả 0.00mg/1 lít khí thở; bến khách ngang sông có quyết định công bố hoạt động (không được phép chở ô tô) theo quy định; phương tiện phà khách số hiệu AG-23293 có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn thời hạn đến ngày 16/5/2025; người điều khiển phương tiện có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định. Tuy nhiên, phương tiện phà khách số hiệu AG-23293 khi lưu thông chỉ có thuyền trưởng, không có máy trưởng là chưa đúng quy định.
Hiện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh An Giang đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương tiếp tục điều tra, làm rõ vụ tai nạn.
Tình huống va chạm giữa hai tàu |
Trước đó, vào khoảng 14h ngày 6/8 trên tuyến sông Vàm Nao, thuỷ phận bờ phải xã Tân Trung, huyện Phú Tân và bờ trái xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (hướng thượng nguồn về hạ nguồn) tàu số hiệu 9065106 quốc tịch Thái Lan do ông Phitsanu Kasamesang (sinh năm 1985, quốc tịch Thái Lan) là thuyền trưởng điều khiển chạy hướng từ An Giang đi Cần Thơ. Khi đến thuỷ phận trên thì xảy ra va chạm với phà khách số hiệu AG-23293 do thuyền trưởng Châu Trọng Lực (sinh năm 1985, ngụ tỉnh An Giang) điều khiển từ bờ xã Tân Trung, huyện Phú Tân qua bờ xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới.
Tại thời điểm xảy ra va chạm, trên phà chở khách có 2 ô tô tải, 6 xe mô tô, 1 xe ba gác và khoảng 10 người. Sau va chạm, phà khách tiếp tục di chuyển vào bến tại ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới.
Vụ va chạm khiến 1 ô tô tải biển kiểm soát: 66C-163.78 rơi xuống sông, 1 xe ba gác hư hỏng nặng, tài xế bị gãy chân trái được chuyển đi bệnh viện điều trị, 2 người bị thương nhẹ.
Đại án đăng kiểm: Cựu Cục trưởng nói “không cố ý phạm tội”
Sáng ngày 7/8, phiên tòa xét xử vụ ‘đại án đăng kiểm’ tiếp tục với phần luật sư bào chữa cho các bị cáo và các bị cáo tự bào chữa với quan điểm luận tội của Viện kiểm sát.
Hội đồng xét xử cho luật sư và hai bị cáo là cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà bào chữa đầu tiên.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Đặng Việt Hà trình bày một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo và đề nghị xử phạt bị cáo mức án dưới khung hình phạt. Trong phần luận tội, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 20 năm tù đối với bị cáo Đặng Việt Hà, về tội "Nhận hối lộ".
Trong khi đó, luật sư bào chữa cho cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình đề nghị xem xét toàn diện thiệt hại và xem xét bị cáo không phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình 18-19 năm tù về tội "Nhận hối lộ", 5-6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tự bào chữa, bị cáo Trần Kỳ Hình nói rằng, trong thời gian còn đương nhiệm, bị cáo có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, bị cáo ủy quyền cho Phó cục trưởng thực hiện nhiệm vụ, bị cáo không buông lỏng quản lý, biết mà không xử lý vi phạm như quy kết, bị cáo không chỉ đạo việc nhận tiền hối lộ, bị cáo chỉ nhận 2,8 tỷ đồng và 12.000 USD, còn những bị cáo khác khai hoàn toàn là chỉ lời khai 1 phía, bị cáo có khiếu nại cáo trạng và được trả lời sẽ được giải quyết tại phiên tòa.
Cũng theo cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình, bị cáo không biện minh cho tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nhưng trình bày một số điều kiện, hoàn cảnh khách quan của hành vi phạm tội, hoàn toàn không cố ý phạm tội.
Trong phần thẩm vấn trực tiếp, bị cáo Trần Kỳ Hình thừa nhận hành vi đúng như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, bị cáo Hình đề nghị xem xét lại số tiền mà cáo trạng đã quy buộc đối với bị cáo. Đây là số tiền liên quan tội danh “Nhận hối lộ”.
Trong cáo trạng, Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Trần Kỳ Hình thuộc người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi phạm tội.
Cưỡng đoạt 456 tỷ đồng, cách Trần Văn Châu và 110 đồng phạm uy hiếp 172.629 người bị hại
Sáng 7/8, TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục xét xử vụ án Trần Văn Châu và 110 đồng phạm về tội 'Cưỡng đoạt tài sản'. Trần Văn Châu (SN 1980, ngụ TPHCM) và Hồ Quốc Hùng (SN 1987, ngụ TPHCM) cùng là Phó Giám đốc Công ty luật TNHH Pháp Việt (Công ty Pháp Việt) và 99 bị cáo khác là nhân viên của công ty bị VKSND tỉnh Tiền Giang truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, đến tháng 7/2020, Châu biết Luật Đầu tư năm 2020 cấm đầu tư, kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ ngày 01/01/2021, nên liên hệ chuyển nhượng lại Giấy phép đăng ký kinh doanh Công ty Luật TNHH Pháp Việt (địa chỉ quận Tân Bình, TPHCM) nhằm núp bóng công ty luật để thực hiện việc thu hồi nợ.
Sau khi hoàn tất thủ tục cấp phép, Châu và Hùng đã lợi dụng danh nghĩa hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép “tham gia tố tụng theo quy định pháp luật, tư vấn pháp luật, thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý khác theo quy định pháp luật và đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật” để tổ chức hoạt đồng thu hồi nợ.
Khi đã có Công ty Pháp Việt, Châu và Hùng tiến hành ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với 7 ngân hàng và công ty tài chính. Theo thỏa thuận, Công ty Pháp Việt sẽ được các công ty tài chính, ngân hàng trích từ 18% - 50% trên tổng số tiền đã thu hồi được (tùy thuộc vào thời gian nợ xấu của người vay được thể hiện trong từng hợp đồng vay).
Để thực hiện việc thu hồi nợ, Châu và Hùng đã thuê 579 nhân viên đa số các ứng viên cơ bản phải có trình độ học vấn lớp 12, có khả năng giao tiếp lưu loát và chia thành 20 nhóm, mỗi nhóm được bổ nhiệm 1 trưởng nhóm.
Từ năm 2020 đến nay, Công ty Pháp Việt đã đe dọa, uy hiếp và thu hồi nợ từ 172.629 người vay.
Thông qua các hợp đồng đã ký kết với các công ty tài chính và ngân hàng, Công ty Pháp Việt đã thu hồi nợ được với tổng số tiền là hơn 456 tỉ đồng, được chi trả tổng số tiền là hơn 168 tỉ đồng.
Từ việc thu hồi nợ, Châu được hưởng 15 tỉ đồng, Hùng được hưởng 12 tỉ đồng.