Điểm nóng 24h ngày 4/9: Cảnh báo mới nhất về cơn bão số 3 - Nguy cơ thành siêu bão
Bão số 3 tăng cường độ, nguy cơ thành siêu bão và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam
Sáng 4/9, bão YAGI, cơn bão số 3 trong năm 2024, đã tăng cường độ lên cấp 11, giật cấp 13. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10 km/h, tâm bão nằm ở vị trí 19 độ Vĩ Bắc, 117,8 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 770 km về phía Đông. Vùng biển nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là phía Bắc vĩ tuyến 17,0N và phía Đông kinh tuyến 113,5E.
Dự báo vị trí và hướng di chuyển bão số 3 lúc 14h chiều 4-9 |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, điều kiện khí quyển và nhiệt độ nước biển ở Biển Đông hiện tại đang tạo điều kiện cho bão số 3 mạnh lên. Dự báo trong 24-72 giờ tới, bão sẽ di chuyển về phía Đông đảo Hải Nam, Trung Quốc và có thể đạt cấp 14, giật cấp 17. Mức độ rủi ro thiên tai trên biển Bắc Biển Đông được nâng lên cấp 4.
Một số chuyên gia không loại trừ khả năng bão số 3 có thể mạnh đến cấp siêu bão (cấp 16). Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết từ chiều 6/9, bão có thể tiến vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Hai kịch bản dự báo cho thấy bão sẽ tác động mạnh đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, gây mưa lớn, nguy cơ lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng, bão số 3 là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông. Trong 8 năm qua, chúng ta chưa ghi nhận cơn bão mạnh nào đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Bộ kể từ sau bão số 1 (Mirinae) năm 2016.
Để chủ động ứng phó với bão số 3, từ ngày 3-9 khi bão mới vào Biển Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành và 24 địa phương chủ động, sẵn sàng các phương án để ứng phó với bão nhằm bảo vệ tính mạng người dân và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
Thông tin mới nhất vụ hàng loạt học sinh Thái Nguyên nhập viện, 1 người tử vong
Ngày 4/9, theo tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh viện này đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 15 tuổi (ở Hà Giang) - là một trong số nhiều học sinh của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên phải vào nhập viện điều trị sau khi có các biểu hiện tức ngực, sốt, đau đầu...
Trước đó, nữ bệnh nhân 15 tuổi được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và chuyển xuống Bệnh viện Nhi trung ương theo nguyện vọng của gia đình.
Thông tin ban đầu từ Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy, các xét nghiệm ban đầu khi bệnh nhân nhập viện đã loại bỏ nghi ngờ liên quan tới bệnh bạch hầu, viêm màng não. Mặt khác, diễn biến lâm sàng của bệnh nhân ổn định. Tuy nhiên, các bác sĩ lo ngại bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim hoặc các bệnh lý tim mạch.
Hiện, bệnh nhân sức khỏe bình thường, tiếp tục được theo dõi các vấn đề tim mạch do có biểu hiện đau ngực.
Tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đến ngày 4-9, bệnh viện này vẫn đang điều trị 11 bệnh nhi là học sinh, ở ký túc xá Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên. Tất cả bệnh nhân đều nhập viện ngày 2/9. Trong số này, 1 bệnh nhân có biểu hiện co giật. Bệnh nhân được thở máy, điều trị tích cực, tới sáng 4/9 đã bỏ được máy thở, tự thở, chẩn đoán ban đầu là viêm cơ tim.
Bệnh viện cũng đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm bạch hầu và viêm màng não và hiện chưa có kết quả.
10 trường hợp còn lại cùng nhập viện với các biểu hiện sốt, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Test nhanh cúm A/B, cả 10 trường hợp đều âm tính; không thấy hình ảnh bất thường trên phim chụp X-quang. Đến nay, sức khỏe của các em đã ổn định. Một số bệnh nhi có viêm phổi, viêm họng.
Trước đó, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thái Nguyên, ngày 29/8, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận 1 học sinh (16 tuổi) sống tại ký túc xá của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên. Bệnh nhân này có tình trạng lơ mơ, hôn mê, được chẩn đoán theo dõi viêm màng não, viêm túi mật, polyp túi mật. Học sinh này tiếp tục có biểu hiện viêm cơ tim cấp. Dù được điều trị tích cực, mở nội khí quản, lọc máu, đặt nội khí quản, thở máy nhưng bệnh nhân vẫn tiên lượng xấu và tử vong sau khi đưa về nhà.
Do chưa có kết quả xét nghiệm đối với các trường hợp nên hiện ngành Y tế chưa xác định được đây có phải là dịch bệnh truyền nhiễm hay không.
Cựu Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị tuyên án 36 tháng tù
Sáng 4/9, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án đối với Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex, và 10 bị cáo khác liên quan đến sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Nguyễn Thị Loan bị tuyên phạt 36 tháng tù giam với tội danh "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản."
Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Quang Hưng, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Thanh Trì và Phó Tổng Giám đốc Vimedimex, bị tuyên phạt 18 tháng tù treo. Tạ Thị Vân, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Bắc Từ Liêm nhận 15 tháng tù treo. Trần Công Tuyên, cựu Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh cũng nhận 24 tháng tù treo.
Với tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng," bị cáo Bùi Thanh Huyền, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), bị tuyên 36 tháng tù treo. Nguyễn Thị Cẩm Lê, cựu cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhận 30 tháng tù treo. Các bị cáo khác nhận mức án từ 15 đến 24 tháng tù treo.
Bản án sơ thẩm khẳng định các bị cáo đã vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Nguyễn Thị Loan có vai trò chủ mưu và không thừa nhận hành vi phạm tội nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2020, UBND TP Hà Nội giao 49.100 m² đất tại thôn Cổ Dương để thực hiện dự án, trong đó 16.100 m² được đấu giá làm đất ở. Nguyễn Thị Loan đã chỉ đạo ba công ty tham gia đấu giá, thông đồng để "dìm" giá đất, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.