Điểm nóng 24h ngày 30/8: Mức án nào cho cựu Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan?
Cựu Chủ tịch Vimedimex bị đề nghị 36-42 tháng tù
Chiều ngày 30/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án "dìm giá" đất tại huyện Đông Anh liên quan đến bị cáo Nguyễn Thị Loan (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex) và 10 người có liên quan.
Bị cáo Nguyễn Thị Loan tại phiên tòa |
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã đọc bản luận tội với các bị cáo. Theo đó, cơ quan này đánh giá, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động bán đấu giá tài sản của nhà nước.
Trong vụ án này, Viện kiểm sát xác định bị cáo Nguyễn Thị Loan giữ vai trò chỉ đạo. Bị cáo đã sử dụng 3 công ty do mình điều hành để tham gia đấu giá, bỏ giá các vòng để trúng với giá theo sự sắp đặt.
Trong đó, bị cáo Bùi Thị Thu Huyền (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường) và Nguyễn Thị Cẩm Lê (cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường) đã thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ và bị đề nghị bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Tuy nhiên, khi xem xét quyết định đề nghị hình phạt, Viện kiểm sát cũng cân nhắc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ phù hợp cho từng bị cáo. Trong đó, tình tiết quan trọng được Viện Kiểm sát đánh giá là hậu quả vụ án đã được khắc phục toàn bộ.
Theo đó, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Loan từ 36 – 42 tháng tù; bị cáo Trần Công Tuyên từ 18 – 24 tháng tù, cùng về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản".
Các bị cáo còn lại được Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cho hưởng án treo, theo đúng tội danh bị truy tố.
Sau khi kết thúc phần luận tội, các luật sư sẽ tiến hành bào chữa cho các bị cáo.
Thêm 13 nạn nhân được giải cứu tại Tam Giác Vàng
Lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm mua bán người Bộ An ninh Lào vừa giải cứu thành công 13 công dân Việt Nam, là nạn nhân của tội phạm mua bán người, từ Lào, về nước an toàn.
Trước đó, lực lượng Công an Hà Tĩnh phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm mua bán người Bộ Công an Lào, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh và các đơn vị nghiệp vụ khác đã đấu tranh, triệt phá thành công Tổ chức tội phạm hoạt động mua bán người, lừa đảo qua mạng với quy mô đặc biệt lớn, bắt giữ 162 đối tượng cả hai giai đoạn, giải cứu 36 nạn nhân liên quan đến hành vi mua bán người đưa từ Lào về Việt Nam.
Tiếp tục mở rộng Chuyên án Phá đường dây lừa đảo tại Tam Giác Vàng cũng như tiếp nhận thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm mua bán người (Bộ Công an Lào), Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định các đối tượng trong tổ chức tội phạm quốc tế này còn thực hiện hành vi mua và đưa nhiều nạn nhân là người Việt Nam sang khu vực Tam Giác Vàng của Lào cưỡng bức lao động, đào tạo để ép tham gia các hoạt động phạm tội.
Hiện các nạn nhân đang bị giam lỏng tại một khu vực khác trong Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (tại tỉnh Bò Kẹo, Lào).
Lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định các đối tượng trong tổ chức tội phạm quốc tế này thực hiện hành vi mua và đưa nhiều nạn nhân là người Việt Nam sang khu vực Tam giác vàng của Lào cưỡng bức lao động, đào tạo để ép tham gia các hoạt động phạm tội. Hiện các nạn nhân là người Việt Nam đang bị giam lỏng tại 1 khu vực khác trong Khu kinh tế Tam Giác Vàng của Lào.
Sau khi bắt giữ 155 đối tượng người Việt Nam đang hoạt động tại đặc khu kinh tế tại tỉnh Bò Kẹo (Lào), với mong muốn kịp thời giải cứu, đảm bảo an toàn cho các nạn nhân nhân người Việt còn mắc kẹt tại Lào, lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương trao đổi thông tin, phối hợp với Cục Mua bán người Bộ an ninh Lào triển khai các phương án, tiếp tục giải cứu 13 nạn nhân là công dân Việt Nam đang bị giam giữ tại Khu kinh tế Tam Giác Vàng và tổ chức đưa các nạn nhân về Việt Nam an toàn.
Hiện lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục điều tra, mở rộng chuyên án liên quan đến tổ chức phạm tội quốc tế trên, hoàn thiện hồ sơ xử lý các đối tượng theo đúng quy định.
Sản xuất hàng giả, Giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan bị khởi tố
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã ra khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
Đây là kết quả quá trình đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an.
Trước đó, cuối năm 2022, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty CP Sữa Hà Lan, có địa chỉ tại 335 Trần Cung, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, cùng các chi nhánh và kho hàng của công ty.
Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã thu thập 67 mẫu sản phẩm từ 33 loại sản phẩm của Công ty CP Sữa Hà Lan. Kết quả giám định cho thấy 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng dưới 70%, với tổng số lượng hàng hóa là 29.400 lon/hộp và giá trị hóa đơn hơn 4,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra phát hiện Đỗ Minh Thu, Kế toán trưởng của Công ty CP Sữa Hà Lan tự ý chỉnh sửa hai phiếu kết quả kiểm nghiệm và làm giả giấy tờ của Uỷ ban nhân dân xã để hợp thức hóa các sản phẩm. Cơ quan điều tra tách hành vi của bị can Thu thành một vụ án hình sự khác và cơ quan tố tụng truy tố xét xử về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Ngày 16/4/2024, Tòa án nhân dân thành phố Chí Linh đã tuyên án 62 tháng tù giam đối với Đỗ Minh Thu.