Điểm nóng 24h ngày 30/7: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu thập thông tin người mua bán vàng miếng
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu thập thông tin người mua bán vàng miếng
Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng trên địa bàn thành phố. Theo đó, danh sách cá nhân mua vàng tại các điểm bán vàng miếng SJC của Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thu thập và chuyển giao Công an Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày.
Nhiệm vụ của tổ công tác là tổ chức thu thập, phân tích thông tin, số liệu, tình hình về khách hàng mua bán vàng miếng trên địa bàn thành phố; phối hợp thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh vàng của các cơ sở kinh doanh mua, bán vàng miếng và sản xuất, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ; kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu nghi vấn đầu cơ, trục lợi, gây bất ổn thị trường vàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh làm tổ trưởng, phối hợp các cơ quan liên quan để phát hiện, xử lý các nghi vấn buôn lậu, đầu cơ, trục lợi, gây bất ổn thị trường vàng.
Tổ phó là Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngày có nhiệm vụ thu thập và chuyển giao cho công an thông tin các cá nhân mua vàng tại các điểm bán vàng miếng của SJC và 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn. Cơ quan này đồng thời sẽ nghiên cứu các giải pháp và chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại cùng SJC phát hiện các cá nhân nghi vấn được thuê mua, thu gom vàng, cung cấp thông tin kịp thời cho lực lượng công an.
Các cơ quan khác trong tổ gồm: Cục Phòng, chống rửa tiền với nhiệm vụ xác minh nguồn tiền mua vàng; Cục Quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, xử lý vi phạm và trao đổi thông tin với ngành công an; Cục Thuế sẽ theo dõi dấu hiệu trốn thuế và buôn lậu vàng. Bên cạnh tổ công tác thành phố, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng lập tổ công tác tại địa phương để nắm tình hình, kiểm tra, xử lý các trường hợp nghi vấn mua gom vàng đầu cơ.
Trong 7 tháng đầu năm, cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra và thu giữ gần 1.600 sản phẩm vàng, trang sức vi phạm, trị giá hơn 14,2 tỷ đồng. Cục Quản lý Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã xử lý gần 200 vụ vi phạm, phần lớn liên quan đến vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.
Trốn tội 17 năm, kẻ sát nhân bất ngờ ra đầu thú
Ngày 30/7, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Công an thị xã Điện Bàn vừa vận động và tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú đối với Lưu Việt Hùng (sinh năm 1980, trú thôn Kỳ Bì, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn). Được biết, Lưu Việt Hùng là đối tượng bị truy nã và đã trốn khỏi địa bàn từ 17 năm trước. Sau 17 năm trốn truy nã, với sự tác động của gia đình và các trinh sát hình sự, Lưu Việt Hùng đã ra đầu thú.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 22/7/2007, Lưu Việt Hùng có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác tại thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn.
Căn cứ tính chất vụ việc, hành vi vi phạm và các chứng cứ thu thập được, ngày 14/9/2007, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) đã ra quyết định khởi tố vụ án số 89, quyết định khởi tố bị can số 116 và quyết định truy nã số 13 đối với Lưu Việt Hùng.
Qua các nguồn thông tin, sau khi trốn khỏi địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngày 31/1/2008, đối tượng Lưu Việt Hùng còn tiếp tục phạm tội và đã bị Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh truy nã về tội giết người.
Mặc dù đã rất nhiều năm đối tượng trốn khỏi địa bàn, thậm chí có thông tin Lưu Việt Hùng đã “vượt biên”, xuất cảnh trái phép qua nước khác, tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, các trinh sát của Công an thị xã Điện Bàn vẫn kiên trì thăm hỏi, vận động gia đình để tác động, nắm thông tin, vận động đối tượng ra đầu thú.
Sau 17 năm lang bạt tha phương, trốn tránh pháp luật, với sự tác động của gia đình và các trinh sát hình sự, Lưu Việt Hùng đã đến đầu thú tại Công an thị xã Điện Bàn.
11 giờ trưa ngày 30/7, đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lệnh Giám đốc công ty thủy điện Hòa Bình vận hành hồ thủy điện Hòa Bình để giảm áp lực lũ cho khu vực hạ du. Hồi 8 giờ sáng nay (30/7) mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 102,17 mét, lưu lượng đến hồ 3.688 m3/giây, lưu lượng xả 5.437 m3/giây.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 11 giờ trưa ngày 30/7. Đồng thời tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa, kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn hạ du khi hồ thủy điện Hòa Bình vận hành đóng 1 cửa xả đáy vào lúc 11 giờ trưa 30/7.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vừa nêu, thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công, tránh những thiệt hại đáng tiếc.