Điểm nóng 24h ngày 2/8: Đề xuất mới về mức phạt nồng độ cồn
Đề xuất hạ “mạnh” mức phạt tiền vi phạm nồng độ cồn
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Tại dự thảo này, Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123/2021) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Theo quy định hiện hành tại nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123), mức tiền phạt là từ 6 đến 8 triệu đồng.
Với mức vi phạm khi lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở trong dự thảo mới cũng giữ nguyên mức phạt như hiện hành 16 - 18 triệu đồng.
Và mức phạt 30 - 40 triệu đồng khi lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Đối với xe mô tô, gắn máy, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Theo quy định hiện hành thì mức phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng.
Bộ Công an cũng đề xuất tại dự thảo mới phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người lái xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Quy định hiện hành phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
Diễn biến mới nhất vụ 8 nhân viên ngân hàng ngộ độc khí CO
Ngày 1/8, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết 7 trong số 8 bệnh nhân ngộ độc khí CO đã xuất viện sau khi được điều trị tích cực..
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nghi ngộ độc khí CO |
Trước đó, vào trưa 31/7, 8 nhân viên một ngân hàng ở TP Biên Hòa lần lượt nhập viện với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, bứt rứt, hồi hộp, khó thở, tim đập nhanh, và da ửng đỏ. Đặc biệt, có 3 bệnh nhân giảm tri giác và 1 thai phụ đang mang thai 29 tuần.
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nghi ngộ độc khí CO.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do máy phát điện chạy trong tầng hầm ngân hàng khi mất điện.
Bệnh viện đã nhanh chóng cho các bệnh nhân thở oxy, truyền dịch và theo dõi liên tục. Đến sáng 1/8, sức khỏe của 7 bệnh nhân đã ổn định và được cho xuất viện. Riêng bệnh nhân B.T.A.N., thai phụ 29 tuần, vẫn ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi mặc dù sức khỏe đã ổn định. "Do bệnh nhân đang mang thai nên chúng tôi quyết định giữ lại để theo dõi thêm"- phía Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, khí CO sinh ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn, và do không có màu, không mùi nên rất khó nhận biết, gây nguy hiểm lớn nếu hít phải. Khí CO rất độc, khi hít phải, người bệnh sẽ có biểu hiện buồn ngủ, lờ đờ, và cảm giác như uống phải thuốc ngủ. Nếu không được phát hiện kịp thời, ngộ độc khí CO có thể gây tổn thương não, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Để phòng tránh ngộ độc khí CO, chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không sử dụng bếp gas, lò nướng, than tổ ong hay máy phát điện trong phòng kín. Khi phát hiện có người nghi ngộ độc khí CO, cần nhanh chóng làm thông thoáng không khí và đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Lập đoàn thanh tra vụ lùm xùm điểm lớp 10 ở Thái Bình
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình Phạm Công Dịch đã công bố quyết định lập đoàn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ quyền hạn được giao đối với Sở GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Đoàn thanh tra gồm 11 thành viên do Phó Chánh Thanh tra tỉnh Phạm Công Dịch làm trưởng đoàn. Quyền Trưởng phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 3 - Thanh tra tỉnh Thái Bình Phạm Thị Hồng Hạnh làm Phó Trưởng đoàn.
Ngoài 7 thành viên của Thanh tra tỉnh Thái Bình, đoàn Thanh tra còn có 2 cán bộ của Công an tỉnh và 2 thành viên của Sở TT&TT Thái Bình.
Thời hạn đoàn thanh tra làm việc là 20 ngày, kể từ ngày 1/8.
Tại buổi công bố quyết định thanh tra, ông Phạm Công Dịch yêu cầu, trong quá trình tiến hành thanh tra, các cá nhân, tập thể có liên quan khẩn trương, nghiêm túc cung cấp hồ sơ, tài liệu; Sở GD-ĐT cử đầu mối làm việc với đoàn thanh tra.
Do đặc thù yêu cầu của cuộc thanh tra và tình hình thực tiễn, trưởng đoàn thanh tra yêu cầu các thành viên đẩy nhanh tiến độ làm việc; làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật để đảm bảo tiến độ cuộc thanh tra.
Trước đó, khi kết quả của kỳ thi vào lớp 10 của tỉnh Thái Bình được công bố, nhiều phụ huynh, giáo viên, thí sinh bất ngờ bởi điểm số không phản ánh đúng kết quả làm bài.
Đến khi kết quả chấm phúc khảo bài thi được công bố, dư luận tại địa phương lại tiếp tục xôn xao trước việc điểm các môn chênh lệch rất cao so với điểm được chấm lần 1.