Điểm nóng 24h ngày 22/8: Hậu khóc lóc tại tòa, ‘sư giả' Thích Tâm Phúc xin giảm nhẹ hình phạt
'Sư giả' Nguyễn Minh Phúc kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt
Ngày 22/8, Tòa án nhân dân huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận đơn kháng cáo của ông Nguyễn Minh Phúc (tự xưng “sư thầy Thích Tâm Phúc”).
Cụ thể, bị cáo Phúc kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt sau khi bị tuyên án 8 năm tù về hai tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và bị hại không có đơn kháng cáo.
Tòa án nhân dân huyện Củ Chi tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Phúc 8 năm tù |
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm hôm 6/8, Hội đồng xét xử đánh giá hành vi của bị cáo Phúc ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang dư luận, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, cần có mức án nghiêm nhằm răn đe.
Theo Hội đồng xét xử, bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Về tình tiết giảm nhẹ, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và gia đình đã khắc phục toàn bộ thiệt hại nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Đối với các giấy tờ bị cáo thuê người làm giả, Hội đồng xét xử tuyên tiếp tục lưu hồ sơ vụ án.
Nội dung bản án sơ thẩm thể hiện, năm 2021, bà T. mua đất tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh và nhờ Phúc làm thủ tục tách thửa. Phúc yêu cầu chi phí 135 triệu đồng và nhận trước 70 triệu, sau đó làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T.
Sau khi hành vi bị lộ, Phúc trốn sang Thái Lan, lúc trở về nước thì bị cảnh sát triệu tập. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Phúc, công an thu giữ 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1 giấy chứng nhận gốc và 9 giấy chứng nhận được giám định là giả). Phúc còn giao nộp thêm 1 giấy chứng nhận tăng ni, thể danh Thích Tâm Phúc; 1 bằng thạc sĩ Luật kinh tế, 1 bằng tiến sĩ ngành Luật tôn giáo... Theo giám định, các giấy chứng nhận này đều là giả.
Công an vào cuộc vụ Huấn Hoa Hồng 'kêu cứu' khi tranh chấp biển số ngũ quý 9
Sáng ngày 22/8, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, Công an tỉnh đã giao các phòng nghiệp vụ vào cuộc kiểm tra, làm rõ các thông tin liên quan đến vụ việc tranh chấp biển số xe máy 97xx-999.99 giữa ông Bùi Xuân Huấn (Huấn Hoa Hồng) và một cá nhân trên địa bàn. Trong đó bao gồm cả nội dung liên quan đến việc kê khai giá bán, nộp thuế… trong việc mua bán, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Cơ quan điều tra xác định, người có tranh chấp biển số với ông Bùi Xuân Huấn là ông N.T.Q. (ở Thành phố Bắc Kạn). Sau khi xác minh làm rõ, công an sẽ thông tin chính thức.
Trước đó, ông Huấn đăng tải thông tin "kêu cứu" vì gặp rắc rối pháp lý liên quan đến chiếc xe máy mang biển số 97xx-999.99 mua cách đây khoảng 1 năm.
Theo chia sẻ của ông Huấn, chiếc xe máy biển số ngũ quý 9 được mua của người đàn ông ở Bắc Kạn vào ngày 14/7/2023 với giá 490 triệu đồng. Tiền chuyển tới tài khoản chính chủ là ông N.T.Q. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi ông Huấn liên hệ chủ cũ của xe để làm thủ tục chuyển biển số ngũ quý 9 sang xe khác thì chủ cũ không hỗ trợ và nói: "Chỉ bán xe chứ không bán biển số". Cùng với đó, ông Huấn cũng cho biết biển số ngũ quý 9 hiện đã được ông N.T.Q. đăng ký, gắn cho xe máy Honda Dream khác.
Theo ông Huấn, thời điểm mua chiếc xe Honda SH biển số 97xx-999.99 chỉ có giấy tờ kèm theo. Người thân của Huấn Hoa Hồng đã tìm gặp chủ cũ để giải quyết nhưng đều bị từ chối.
Liên quan đến vụ việc trên, đại diện Đội Cảnh sát giao thông Trật tự Công an Thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) cho biết tính đến ngày 15/8/2023, xe máy có biển số 97xx-999.99 đứng tên ông N.T.Q. Đến tháng 7/2024, khi ông Q. đến đăng ký xe, Đội Cảnh sát giao thông Trật tự Công an Thành phố Bắc Kạn tra cứu trên hệ thống thì biển số trên đủ điều kiện để cấp lại cho xe khác của ông Q. theo quy định về biển số định danh (Thông tư 24/2023 của Bộ Công an). Các giấy tờ do chủ phương tiện cung cấp bảo đảm đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Xét xử 135 bị cáo trong đường dây cho vay nặng lãi, ghép ảnh khỏa thân để đòi nợ
Sáng 22/8, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm 135 bị cáo trong đường dây cho vay lãi nặng, đòi nợ bằng cách ghép ảnh khỏa thân. Đường dây do ông chủ là người Trung Quốc cầm đầu. Cáo trạng xác định, 135 bị cáo bị truy tố về các tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; "Trốn thuế"; "Cưỡng đoạt tài sản".
Đường dây trên do Li Zhao Qiang (sinh năm 1988, người Trung Quốc) cầm đầu. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, tháng 10-2017, Li Zhao Qiang nhập cảnh vào Việt Nam và tạo lập các app: "Cash Vn", "Vaynhanhpro"…, máy chủ đặt tại Hồng Kông (Trung Quốc). Các app này cho khách là người Việt Nam vay tiền với lãi suất cao, từ 43.000 đồng đến 60.000 đồng trên một triệu đồng một ngày (tương đương mức lãi suất từ 1.570% đến 2.190% một năm). Đường dây của Li Zhao Qiang hoạt động chủ yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tuy nhiên cũng mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Li Zhao Qiang đã hợp tác với Nguyễn Quang Vũ (sinh năm 1987, Hà Nội) và nhiều người khác để thành lập, quản lý và điều hành một số công ty. Ông cũng đưa Zhang Min (sinh năm 1986) và Liu Dan Yang (sinh năm 1992) từ Trung Quốc sang Việt Nam, tuyển dụng nhân viên vào các bộ phận mời chào, thẩm định, nhắc và truy thu nợ.
Khi khách vay chậm trả, nhóm của Zhang Min tại Công ty Metag và Công ty CSKH DCS sẽ sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để nhắn tin, gọi điện đe dọa hoặc cắt ghép ảnh của khách vay và người thân để bôi nhọ trên mạng xã hội, nhằm gây áp lực buộc họ phải trả tiền.
Theo cơ quan tố tụng, từ năm 2019 - 2022, đường dây này thực hiện cho 120.780 khách hàng trên cả nước vay hơn 1.607 tỷ đồng lãi suất cao, thu lời bất chính hơn 732 tỷ đồng. Trong vụ án này, Li Zhao Qiang được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu đã bị truy nã quốc tế do bỏ trốn khỏi Việt Nam. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 10 ngày.
Bắt nhóm đối tượng làm giả giấy tờ, mua bán hàng trăm ô tô tại Thanh Hóa
Ngày 22/8, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh vừa triệt phá một đường dây làm giấy tờ giả để mua bán xe ô tô không rõ nguồn gốc, xe thế chấp ngân hàng; tạm giữ hình sự 4 đối tượng về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”…
Theo đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1998, Thọ Xuân) về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và Bùi Văn Toàn (sinh năm 1994, Hòa Bình), Đinh Hữu Ngọc (sinh năm 1998, Hải Dương), Nguyễn Thế Thành (sinh năm 1982, Hà Nội) về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Nhóm đối tượng này bị phát hiện mua bán xe ô tô cũ không rõ nguồn gốc và làm giả giấy tờ để hợp thức hóa việc mua bán xe thế chấp.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện nhóm đối tượng mua bán xe ô tô cũ không rõ nguồn gốc. Trong đó, đối tượng Nguyễn Tuấn Anh đã bán chiếc xe ô tô biển kiểm soát 36A – 79043 bán cho Bùi Văn Toàn ở xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với giá 130 triệu đồng. Chiếc xe này đang thế chấp trong ngân hàng và chỉ có giấy đăng ký xe photo. Toàn sau đó đã liên kết với các đối tượng làm giả giấy biên nhận thế chấp để bán xe.
Sau khi bắt giữ Nguyễn Tuấn Anh và Bùi Văn Toàn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai lực lượng để điều tra, mở rộng vụ án. Từ đây, lực lượng chức năng dần phát hiện một đường dây chuyên làm giấy tờ giả để mua bán xe không rõ nguồn gốc do Đinh Hữu Ngọc (ở xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Thế Thành (ở phường Giang Biên, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội) cầm đầu. Khám xét nơi ở của 4 đối tượng, Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều máy móc, thiết bị, con dấu, hồ sơ để làm giả các giấy tờ xe ô tô.
Chỉ tính từ cuối tháng 12/2023 đến nay, nhóm đối tượng này đã làm giấy tờ giả để mua bán hàng trăm xe ô tô của các đối tượng lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ở nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Bình Định, Nghệ An, Hưng Yên, TP. Hà Nội, Thanh Hóa…trị giá trên 50 tỷ đồng.