Điểm nóng 24h ngày 21/8: Trả hồ sơ, điều tra dòng tiền khủng về tài khoản của ‘cô đồng bổ cau”
Điều tra dòng tiền khủng của 'cô đồng bổ cau đúng nhận sai cãi'
Sáng 21/8, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để điều tra bổ sung vụ án đối với bị cáo Trương Thị Hương (sinh năm 1986, ở phường Hiến Thành, Kinh Môn; được biết đến với danh xưng "cô đồng bổ cau").
Theo nội dung quyết định trả hồ sơ vụ án: căn cứ việc xét hỏi tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy, với việc hành nghề xem bói, lợi dụng mê tín, bị cáo Hương đã đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của vợ chồng anh Phạm Sơn T (34 tuổi, ở Kinh Môn) và vợ chồng anh Trần Thế X. (34 tuổi, ở Lê Chân, Hải Phòng).
"Cô đồng bổ cau" Trương Hương |
Ngoài ra, với việc hành nghề trên, bị cáo Hương còn xem bói, làm lễ cho nhiều người. Trong đó nhiều người đã chuyển tiền cho Hương qua tài khoản cá nhân tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBbank).
Theo tài liệu MBbank cung cấp, trong khoảng thời gian từ 1/7/2022 đến 31/10/2022, tài khoản của Hương nhận tiền để xem bói, làm lễ, tổng số tiền bị cáo Hương đã nhận là gần 400 triệu đồng.
Trong khoảng thời gian từ ngày 1/12 đến 31/12/2023, tài khoản của Hương phát sinh có số tiền hơn 700 triệu đồng. Trong đó có 5 giao dịch chuyển tiền có liên quan đến việc bị cáo nhận tiền để xem bói, làm lễ, tổng số tiền đã nhận là hơn 100 triệu đồng.
Tiếp đến, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2023 đến 23/2/2023, tài khoản của bị cáo Hương phát sinh hơn 900 triệu đồng. Trong đó có 4 giao dịch chuyển tiền có nội dung liên quan đến bị cáo Hương nhận tiền để xem bói, làm lễ, với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.
Ngày 3/4, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Kinh Môn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cùng cấp làm rõ xử lý các nội dung nhận tiền nói trên của bị cáo Hương theo quy định.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Hương khai không còn nhớ nội dung nhận tiền qua tài khoản nói trên và đề nghị được giữ quyền im lặng.
Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Kinh Môn để điều tra bổ sung các nội dung chuyển, nhận tiền qua tài khoản MBbank của bị cáo Hương.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm lên tiếng vụ việc hàng trăm phụ huynh tập trung kiến nghị việc nhập học tại trường Tiểu học Tây Mỗ
Liên quan đến việc hàng trăm phụ huynh tập trung đông tại Trường Tiểu học Tây Mỗ vào sáng nay (21/8) để kiến nghị nhà trường về việc cho con nhập học vào trường, trưa cùng ngày, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm trao đổi với báo Hànộimới cho biết: Vì lo lắng con không được học trường gần nhà, gần 400 phụ huynh học sinh đã có mặt tại cổng Trường Tiểu học Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) để tìm hiểu thông tin và kiến nghị với nhà trường về việc cho con nhập học vào trường.
Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 là trường công lập được tách ra từ Trường Tiểu học Tây Mỗ và dành cho con em nhân dân trên địa bàn phường. Sau khi chia tách các lớp 2, 3, 4, 5 và tuyển mới lớp 1, tổng số học sinh của Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 là 30 lớp, với 1.111 học sinh, đã vượt chỉ tiêu so với quy định là 30 lớp với tối đa 1.050 học sinh.
Tất cả học sinh (lớp 2, 3, 4, 5) được tách từ Trường Tiểu học Tây Mỗ và tuyển mới (lớp 1) đều thuộc đối tượng học sinh trên địa bàn phường Tây Mỗ theo đúng tuyến tuyển sinh quy định (thuộc các tổ 7, 8, 9, 10, 11, 12 và tòa nhà chưa phân tổ thuộc khu đô thị bên cạnh đó của phường Tây Mỗ).
Học sinh lớp 1 được tổ chức tuyển sinh theo đúng quy định, đúng đối tượng đã được phân tuyến với chỉ tiêu đăng ký là 400 chỉ tiêu. Tuy nhiên, do tốc độ gia tăng dân số nhanh nên kết thúc thời gian tuyển sinh, tổng số học sinh đã tuyển vượt 60 chỉ tiêu (với tổng là 460 học sinh lớp 1, chia làm 13 lớp). Các trường hợp không nộp hồ sơ theo thời gian quy định coi như không có nhu cầu.
Đòi 210m2 đất, cụ bà 101 tuổi kiện chủ tịch huyện
Ngày 21/8, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam mở phiên xét xử vụ án khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai.
Vụ án này, người khởi kiện là bà Bùi Thị Nuôi (101 tuổi, ngụ huyện Thăng Bình, Quảng Nam), người bị kiện là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thăng Bình.
Trước đó, ngày 2/8/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành bản án số 19 về việc khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai của bà Nuôi.
Theo đơn khởi kiện, đất đai và nhà ở của gia đình bà Nuôi được tạo lập, quản lý sử dụng từ trước 1975. Quá trình sử dụng đất có đăng ký theo quy định pháp luật.
Năm 2014, để thực hiện chủ trương của nhà nước mở rộng QL1A, Uỷ ban nhân dân huyện Thăng Bình đã ra Quyết định 927 ngày 23-5-2014 thu hồi 274,8 m2 đất ở đô thị của đình bà và công nhận trích lục bản đồ địa chính số 2259/VPĐK có trong thửa đất đo mới số 49 tờ bản đồ số 7 là 1.976 m2. Gia đình bà Nuôi chấp nhận đền bù để dự án được thực hiện.
Để thực hiện Dự án xây dựng đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến QL1A, Uỷ ban nhân dân huyện Thăng Bình tiếp tục ban hành các quyết định thu hồi đất, bồi thường thiệt hại đất và tài sản trên đất cho bà Nuôi nhưng không đảm bảo diện tích thực tế cũng như việc áp giá bồi thường không phù hợp pháp luật.
Sau khi giải quyết khiếu nại, Uỷ ban nhân dân huyện Thăng Bình liên tiếp ra các quyết định điều chỉnh quyết định thu hồi đất và điều chỉnh quyết định bồi thường với diện tích đất thu hồi nhỏ hơn thực tế và bồi thường giảm diện tích.
Không đồng tình, Bà nuôi khởi kiện và yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam thụ lý, giải quyết huỷ các quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện Thăng Bình. Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên bà Nuôi kháng cáo.
Ngày 20/10/2022, Uỷ ban nhân dân huyện Thăng Bình thu hồi 997,65m2 để thực hiện dự án đường cứu nạn cứu hộ theo quyết định 592 của Uỷ ban nhân dân huyện Thăng Bình.
Tiếp đến, ngày 14/6/2023, Uỷ ban nhân dân huyện Thăng Bình ra quyết định 460 thu hồi 68,9m2 và thông báo diện tích còn lại là 424,45m2.
Theo lập luận của gia đình bà Nuôi, sau những lần nhà nước thu hồi đất, tổng diện tích đất của bà hụt mất 210m2.
Bỗng dưng bị hụt mất 210m2 đất và cho rằng các quyết định có liên quan không thoả đáng, bà Nuôi tiếp tục khởi kiện yêu cầu toà huỷ các quyết định này.
Sáng nay (21/8), Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nuôi. Sau phiên toà, đại diện gia đình bà Nuôi cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo.
Công an vào cuộc điều tra đấu giá đất tại Hoài Đức
Ngày 21/8, liên quan đến vụ đấu giá đất cao bất thường ở huyện Hoài Đức (Thành phố Hà Nội), trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định thời gian vừa qua, việc đấu giá đất vùng ven do các huyện thực hiện có giá cao vọt lên so với giá mặt bằng chung của thị trường, thậm chí có nơi gấp từ 2 đến 3 lần.
Theo vị này, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh, làm rõ việc một nhóm người có dấu hiệu "kích sóng" đất nền.
Công tác đấu giá đất do các địa phương tự tổ chức, tuy nhiên có vài phiên giá trúng cao vọt nên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ động vào cuộc nắm tình hình. Đa số khách hàng tham gia đấu giá đất nền không phải do nhu cầu thật, có dấu hiệu liên kết hội nhóm vì động cơ gì đó.
Trước đó, phiên đấu giá kỷ lục 19 lô đất tại khu LK03 và LK04 thôn Lòng Khúc (xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội) kéo dài gần 19 tiếng. Kết quả, trải qua 9 vòng đấu, lô đất LK03-12 có giá cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Lô đất này có diện tích 113 m2, như vậy tổng giá trị là khoảng 15 tỉ đồng.
Lô LK03-06 và LK04-06 cao thứ 2 đạt 127,3 triệu đồng/m2. Các lô đất khác có giá trúng từ 97,3 đến 121,3 triệu đồng/m2. 2 lô có giá trúng thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2, gấp 12,5 lần so với giá khởi điểm.
Được biết, theo công cụ thống kê lịch sử giá của chuyên trang batdongsan.com.vn, giá rao bán đất nền phổ biến ở khu vực xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức trong quý II/2024 khoảng 43 triệu đồng/m2, tăng khoảng 48% so với cách đây 1 năm. Giá rao bán đất nền tại các xã lân cận xã Tiền Yên được rao bán từ 22 đến 62 triệu đồng/m2, tùy theo vị trí và mức độ thuận tiện về kết nối giao thông.
Mức độ quan tâm và giá đất nền khu vực vùng ven Hà Nội tăng nhờ yếu tố quy hoạch và hoạt động đấu giá. Nửa đầu năm 2024, đất nền tại các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai (Thành phố Hà Nội) ghi nhận lượng tìm kiếm tăng từ 48% đến 104%, nhu cầu tăng đã đẩy giá đất nền tại các huyện ngoại thành Hà Nội tăng từ 4% đến 24% so với nửa cuối năm 2023.