Điểm nóng 24h ngày 16/9: Bão số 4 hình thành trên Biển Đông; H2ơn 300 sự cố đê điều trong mùa bão
Cảnh báo áp thấp nhiệt đới áp sát biển Đông
11 giờ trưa ngày 16/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã phát đi tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông. Theo đó, hiện nay, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines).
Cảnh báo áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông có thể mạnh thành bão |
Hồi 10 giờ ngày 16/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 124,4 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây khoảng 15km/h.
Cảnh báo diễn biến áp thấp nhiệt đới (từ 48 đến 72 giờ tới): Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới: Trên biển: Từ sáng ngày 17/9, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 7 (50 61km/h), giật cấp 9 (75-88km/h), biển động mạnh.
Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao 2,0-4,0m.
Ngày và đêm 16/9, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Hiện nay, mực nước triều tại khu vực ven biển phía Tây của Nam Bộ đang ở mức cao, cần đề phòng mực nước dâng bất thường gây sạt lở đê biển.
Cảnh báo ngày và đêm 17/9, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 3-5 m. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió tây nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2-3 m.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Xảy ra hơn 300 sự cố uy hiếp an toàn đê điều trong đợt mưa bão
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã gây ra đợt lũ lớn trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, sông Đáy, sông Hoàng Long,…
Đặc biệt, lũ trên một số tuyến sông đã vượt mức lũ lịch sử như sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái, sông Cầu tại Bắc Ninh, sông Đáy tại Ninh Bình, sông Trà Lý tại Thái Bình đều vượt lũ lịch sử năm 1971. Bên cạnh đó, sông Cầu tại Thái Nguyên vượt lũ lịch sử năm 1959; sông Cầu tại Lương Phúc, Hà Nội vượt mực nước lũ thiết kế đê.
Bên cạnh đó, đỉnh lũ hầu hết các tuyến sông khác ở Bắc Bộ lên mức báo động 3 và trên báo động 3 (sông Hồng, sông Thái Bình, sông Lô, sông Thương, sông Lục Nam, sông Phó Đáy, sông Kinh Thầy, sông Luộc, sông Ninh Cơ, sông Đào, sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Tích…).
Hệ thống đê điều đã xảy ra 305 sự cố, gây uy hiếp đến an toàn đê. Lũ trên hệ thống sông đang xuống, tuy nhiên mực nước vẫn còn duy trì ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố sạt lở đê, kè bảo vệ đê, sạt lở bờ, bãi sông…
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở NN&PTNT báo cáo Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 93 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều và các Công điện, văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều.
Vụ sập cầu Phong Châu: Phát hiện thêm 1 thi thể cách hiện trường 8km
Sáng 16/9, tổ tuần tra kiểm soát (thuộc Đội Cảnh sát đường thủy - Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Thọ) qua tuần tra kiểm soát, nắm tình hình trên tuyến sông Hồng đoạn thuộc xã Bản Nguyên, cùng với người dân đã phát hiện 1 thi thể là nam giới đang trôi dạt trên sông Hồng.
Lực lượng tìm kiếm tiếp cận hiện trường sập cầu Phong Châu (Ảnh CA) |
Một thi thể nam giới vừa được phát hiện trên sông Hồng đoạn qua địa bàn xã Bản Nguyên (Lâm Thao), cách nơi xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu khoảng 8km.
Ngay sau khi nhận được thông tin, người dân và chính quyền xã đã đưa thi thể nạn nhân vào bờ. Đồng thời thực hiện các quy trình, thủ tục cần thiết và thông báo cho các thân nhân người mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu đến để phối hợp xác minh danh tính nạn nhân.
Trước đó, khoảng 17h30 ngày 14/9, lực lượng chức năng đoạn thuộc xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao) phát hiện một thi thể là nữ đang trôi dạt trên sông Hồng.
Sáng 15/9, lực lượng chức năng xác định, nạn nhân trên là Nguyễn Thị Hường đi xe máy BKS 19L-310.61 cùng với chồng là Lương Xuân Thành (một trong số 8 nạn nhân bị mất tích).
Liên quan tới sự cố sập cầu Phong Châu, vào khoảng 10h (ngày 9/9), cầu Phong Châu bất ngờ bị sập, đứt gãy hai nhịp phía đầu Tam Nông.
Theo thống kê sơ bộ ban đầu, có khoảng 13 nạn nhân trong vụ sập cầu này. Trong đó, 3 nạn nhân may mắn được cứu thoát do bám được vào thành cầu.
Sườn đồi xuất hiện vết nứt, Lào Cai sơ tán gần 400 người dân
Thông tin từ lãnh đạo huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết, các cơ quan chức năng vừa vận động 86 hộ dân với khoảng 390 nhân khẩu di dời đến nơi ở an toàn sau khi phát hiện khu vực này có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Khu vực người dân phát hiện vết nứt, nguy cơ sạt lở cao (Ảnh: Báo Lào Cai) |
Theo vị lãnh đạo huyện, do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 3, từ chiều 8/9, tại thôn Nậm Đét xuất hiện vết nứt rộng khoảng 1,5m, trượt dài 350m ở dưới sườn núi cao, cạnh khu vực 86 hộ dân đang sinh sống.
Để đảm bảo tính mạng và tài sản của Nhân dân, UBND xã Nậm Đét thông báo và di dời khẩn cấp các hộ tới vị trí an toàn.
Từ ngày 9/9, các hộ được bố trí sang khu lán tạm tại thôn Nậm Cài hoặc ở nhờ nhà người thân.
Người dân đang chờ cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá mức độ nguy hiểm, mức độ sạt lở. Nếu đảm bảo an toàn, địa phương mới cho người dân trở về. Nếu không đảm bảo, có thể địa phương phải làm khu dân cư mới cho các hộ ở khu vực nguy hiểm.
Vào tối 15/9, tại xã Khánh Yên Hạ cho biết người dân và chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra thực địa và phát hiện sườn đồi Pen Lảng ở thôn Sung 2 có vết nứt rộng và kéo dài có thể sạt lở gây nguy hiểm cho 7 hộ dưới chân đồi. Vì vậy, ngay trong tối 15/9, chính quyền xã đã bố trí lực lượng di chuyển 7 hộ dân đến nơi an toàn.
Được biết, vết nứt đồi Pen Lảng, thôn Sung 2 đã xuất hiện từ khi có mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 gây ra và hiện nay vẫn đang có chiều hướng mở rộng. Hiện chính quyền xã Khánh Yên Hạ đã báo cáo UBND huyện để cử cơ quan chuyên môn xuống khảo sát, đánh giá cụ thể nhằm đưa ra phương án đảm bảo an toàn cho người dân.
Sơn La mưa lớn bất ngờ, cảnh báo sạt lở mức cao nhất
Sáng 16/9, tại huyện Sông Mã (Sơn La), mưa lớn kéo dài liên tục trong gần 2 giờ gây xói mòn nghiêm trọng chân cầu bản Púng và làm tê liệt giao thông nhiều vị trí trên QL4.
Thông tin từ Sở GTVT Sơn La cho biết, từ 8h-9h30 ngày 16/9, do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trên địa bàn huyện Sông Mã đã làm ngập úng cục bộ, sa bồi, xói lở nền đường và công trình trên Quốc lộ 4G. Các phương tiện đi lại vô cùng khó khăn tại bản Púng, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã và tại thị trấn huyện Sông Mã.
Mưa lớn trong vòng hơn 30 phút đã gây ngập úng, cuốn trôi hơn 1 héc ta lúa của người dân bản Liên Phương, xã Chiềng Khoong; gây ngập một số hộ dân dọc suối Liên Phương.
Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong 06 giờ qua (từ 02 giờ đến 08 giờ ngày 16/9), khu vực các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Chiềng Ơn 113mm (Sơn La); Cao Sơn 82,4mm (Hòa Bình); Thanh Ba 70,6mm (Phú Thọ); Nậm Hàng2 69,4mm (Lai Châu); Phì Nhừ 69,1mm (Điện Biên); Quân Chu 68,6mm (Thái Nguyên); Việt Hồng 63,6mm (Yên Bái); Lập Thạch 61,9mm (Vĩnh Phúc)...
Trong 03-06 giờ tới, khu vực các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 60mm..
Mưa nhiều có thể gây nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc trong vài giờ tới. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.
Tại xã Song Pe xuất hiện điểm sạt lở và rãnh nứt kéo dài trên đỉnh đồi |
Sạt lở ở Sơn La có nguy cơ cao ở các khu vực: Bắc Yên, Mai Sơn, Mộc Châu, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Vân Hồ.
Trong đó, sạt lở ở Sơn La đang được cảnh báo ở mức cao nhất. Mới đây, trước nguy cơ sạt lở ở Sơn La, các huyện Phù Yên, Bắc Yên (tỉnh Sơn La) đã vận động di dời hơn 100 hộ dân tại bản Bèo, xã Tường Phong và bản Ngậm, xã Song Pe.