Điểm nóng 24h ngày 10/10: Vi khuẩn 'ăn thịt người' tấn công khiến thiếu nữ nguy kịch
Vi khuẩn 'ăn thịt người' tấn công cô gái vì đi chân trần tập thể dục đến nguy kịch
Ngày 10/10, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết vừa cứu sống kịp thời một nữ bệnh nhân nguy kịch do vi khuẩn "ăn thịt người" Burkholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore, tấn công.
Bệnh nhân Đ.T.M.L. (33 tuổi, ngụ ở phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM) có thói quen đi chân trần trên mặt đất khi tập thể dục tại công viên, nhằm tăng sự nhạy cảm của chân và rèn luyện cơ chân. Gần một tháng trước, chị L. đột ngột sốt cao, khó thở trong ba ngày và đến khám tại cơ sở y tế gần nhà. Sau khi nhập viện, tình trạng bệnh diễn tiến nhanh chóng khiến chị rơi vào suy hô hấp, phải thở máy. Sau 24 giờ nhập viện, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn và được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào ngày 16/9 để cấp cứu khẩn cấp do tổn thương phổi nghiêm trọng
Nữ bệnh nhân bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" sau thời gian điều trị đã có sức khỏe ổn định - Ảnh: Bệnh viên cung cấp |
Theo bác sĩ Phó Thiên Phước, bệnh nhân có dấu hiệu hội chứng nguy kịch hô hấp cấp và giảm oxy máu nặng, có nguy cơ phải can thiệp ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể). Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp thông khí bảo vệ phổi và thông khí nằm sấp. Sau 48 giờ, kết quả cấy máu cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, tác nhân gây bệnh Whitmore, một bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị trúng đích và tình trạng của bệnh nhân dần được cải thiện.
Chỉ sau 7 ngày thở máy, chị L. đã cai máy thở thành công và sau 14 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn.
Theo bác sĩ Phước, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei thường sống trong đất và nước ô nhiễm, dễ xâm nhập qua các vết thương hở, gây nhiễm trùng. Ban đầu, bệnh có thể chỉ có các triệu chứng nhẹ như sốt, ho, đau cơ, nhưng nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tổn thương nhiều cơ quan và dẫn đến tử vong. Bệnh Whitmore phổ biến ở các vùng có khí hậu nhiệt đới như Đông Nam Á và Bắc Úc, với tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn huyết lên đến 40-50%. Nếu bệnh nhân bị viêm phổi nặng, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 75%.
Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng để cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân, giúp tránh được các biện pháp điều trị hồi sức phức tạp và tốn kém như ECMO.
Công an Quảng Ngãi: Cảnh báo ma tuý dạng ‘nước vui' tấn công các trường học
Ngày 10/10, Công an tỉnh Quảng Ngãi thông báo đã tăng cường công tác đấu tranh và trấn áp tội phạm liên quan đến ma túy, đặc biệt là loại ma túy mới có tên “nước vui”. Đây là loại ma túy tổng hợp nguy hiểm, có thể dễ dàng bị ngụy trang thành nước giải khát, khiến nguy cơ xâm nhập vào giới trẻ, các trường học và khu vui chơi trở nên đáng lo ngại.
Gần đây, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ngãi đã triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn. Đối tượng T.P.D. (23 tuổi, trú tại xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) đã vận chuyển ma túy từ TP.HCM về Quảng Ngãi, với số lượng tang vật thu được hơn 6kg, trong đó gần 1kg là ma túy “nước vui”.
Đối tượng Trần Phước D. cùng tang vật 1kg ma túy "nước vui" và 5kg ma túy đá. Ảnh: Công an tỉnh Quảng Ngãi |
Ngoài đường dây này, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy “nước vui” trên địa bàn tỉnh. Loại ma túy này có thể hòa tan trong nước, khiến nó dễ dàng bị ngụy trang thành các loại đồ uống thông thường.
Theo Thượng tá Phạm Chí Hân, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ngãi, ma túy “nước vui” chứa các chất như MDMA (thuốc lắc), Ketamine và Diazepam. Loại ma túy này có thể ở dạng lỏng hoặc bột, sau khi sử dụng sẽ tác động mạnh lên não bộ, gây giảm khả năng nhận thức, loạn thần và mất kiểm soát hành vi, có thể dẫn đến các hành động nguy hiểm cho bản thân và xã hội.
Trước tình trạng này, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp đấu tranh và tuyên truyền rộng rãi về tác hại của ma túy “nước vui”. Lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân, đặc biệt là giới trẻ, về cách nhận biết và phòng tránh loại ma túy nguy hiểm này.
Dự báo, tình hình tội phạm liên quan đến ma túy “nước vui” có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì vậy, lãnh đạo Công an tỉnh kêu gọi sự phối hợp của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo đến nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy “nước vui”. Phụ huynh cần quan tâm đến con em mình, khuyến cáo tránh xa các chất kích thích, đồ uống và thực phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời nếu có biểu hiện sử dụng ma túy.