Cần làm gì để có nước sạch sử dụng sau ngập lụt?
Xin kính chào quý vị khán thính giả đã đến với chương trình Podcast của Báo Công Thương, với những bài viết, bài báo được chúng tôi tổng hợp, tìm hiểu và được thể hiện lại qua giọng đọc của BTV Thanh Thảo.
Thưa quý vị! Bài báo với nhan đề “Cần làm gì để có nước sạch sử dụng sau ngập lụt?” được đăng tải trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 21/9/2024 sẽ được chúng tôi chia sẻ trong mục Podcast - Thời sự của Báo Công Thương. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Chị Thanh Mai (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) hỏi: Sau ngập lụt, các nguồn nước đều bị ô nhiễm. Làm thế nào để người dân có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày?
Về vấn đề này, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết: Sau lũ lụt thường có nguy cơ xảy ra nhiều dịch bệnh do môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát, dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Để có nước sạch sử dụng, người dân cần làm sạch giếng khoan, giếng đào, sau đó làm trong, khử trùng nước...
Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch. Đối với làm sạch nước bằng phèn chua cần làm theo tỷ lệ: 1g phèn chua cho 20 lít nước. Hòa đều phèn chua với nước cần lọc, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước. Tốt nhất sử dụng vải cotton, thực hiện thao tác lọc nhiều lần cho đến khi nước trong. Sau đó tiến hành khử trùng bằng các hóa chất như Cloramin B hoặc đun sôi. Khử trùng nước bằng Cloramin B: Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong. Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng: Khử trùng bằng hóa chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi) và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt nhưng vẫn phải đun sôi ở nhiệt độ cao thì mới dùng uống được.
Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm định, cấp phép của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để bảo đảm hiệu quả lọc nước. Lưu ý nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch... để tránh bít tắc thiết bị lọc.
Xử lý các giếng nước để ăn uống và sinh hoạt: Đối với giếng khơi, dù đã dùng ni lông hoặc nắp bịt miệng giếng, nước trong giếng vẫn bị ô nhiễm rất nặng vì nắp và ni lông chỉ ngăn rác, cặn vào giếng, chứ không ngăn được nước bẩn vào giếng. Với công đoạn làm trong nước, người dân có thể dùng phèn chua với liều lượng 50g/1m3 nước. Nếu nước đục nhiều, có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/1m3 nước. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gàu múc nước hay xô nước, tưới đều dung dịch vào trong lòng giếng nước. Thả gàu múc nước chìm sâu xuống giếng, kéo mạnh gàu lên khoảng 10 lần rồi để yên tối thiểu 30 phút cho cặn lắng hết, sau đó tiếp tục tiến hành khử trùng. Với nước giếng khoan, người dân cần bơm hết nước đục và bơm tiếp tục khoảng 15 phút để loại bỏ nước có khả năng bị nhiễm bẩn. Vét sạch bùn trong giếng, chú ý làm vệ sinh sạch sẽ bơm nước và sàn giếng.
Nếu giếng bị ngập nhưng nước lụt không tràn vào giếng và nước giếng trong thì vẫn phải khử khuẩn trước khi sử dụng. Nếu điều kiện cho phép thì múc cạn và thau rửa, nếu không thì có thể tiến hành khử khuẩn ngay nước trong giếng để sử dụng. Đối với các giếng đã bị ngập lụt thì nhất thiết phải thau rửa và khử khuẩn mới được sử dụng.
Thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.