Bôi nhọ hình ảnh người khác trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào?
Bộ Công an cho biết việc cố tình quay video đời sống riêng tư của người khác và phát tán với mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm có thể bị xử lý hình sự.
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh phải được sự đồng ý của người đó. Nếu vi phạm, người bị xâm phạm có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định thu hồi, tiêu hủy hình ảnh, chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Hành vi quay video về đời sống riêng tư và chia sẻ hình ảnh nhằm bôi nhọ người khác sẽ bị xử lý tùy theo mức độ nghiêm trọng. (Ảnh: ảnh minh hoạ) |
Cụ thể, hành vi quay video về đời sống riêng tư và chia sẻ hình ảnh nhằm bôi nhọ sẽ bị xử lý tùy theo mức độ nghiêm trọng. Nếu gây hậu quả không nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 (Tội làm nhục người khác) và Điều 156 (Tội vu khống) Bộ luật Hình sự 2015.
Với tội làm nhục người khác, mức phạt có thể từ 10-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm, tùy mức độ. Với tội vu khống, mức phạt dao động từ 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Cá nhân bị xâm phạm quyền riêng tư có thể nộp đơn trình báo đến cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp.