‘Bão UAV’ Ukraine ồ ạt trút xuống Nga trong đêm; Điện Kremlin lần đầu lên tiếng về tên lửa Iran
‘Bão UAV’ Ukraine ồ ạt trút xuống Nga trong đêm,
Theo Kyiv Independent, rạng sáng ngày 10/9, tỉnh Bryansk của Nga đã rơi vào tình trạng báo động cao khi Tỉnh trưởng Alexander Bogomaz đăng trên Telegram thông tin rằng, Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) quy mô lớn, nhắm thẳng vào tỉnh này. Không dừng lại ở Bryansk, các quan chức Nga tiết lộ rằng cảnh báo không kích đã vang lên khẩn cấp tại ít nhất 9 tỉnh khác, làm dấy lên nỗi lo sợ về một đợt tấn công trên không ồ ạt chưa từng có.
“Ít nhất 21 UAV của Ukraine đã bị phòng không bắn hạ trong vòng 1 tiếng đồng hồ kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu”, ông Bogomaz thông tin.
Quân nhân Ukraine cùng nhóm phòng không cơ động quân sự tập kích ngay trong đêm. Ảnh: Kyiv Independent |
Những video ghi lại một số vụ nổ được cho là xảy ra ở tỉnh Bryansk đã được người dân địa phương đăng lên mạng xã hội vào khoảng 0 giờ 30 phút ngày 10/9.
Cùng thời điểm xảy ra vụ không kích, Thị trưởng Sergei Sobyanin cũng tuyên bố rằng ba máy bay không người lái Ukraine đã bị bắn hạ trên vùng trời Moscow Oblast khi đang trên đường đến thủ đô. Đêm 9/9, các cảnh báo không kích liên tục được đưa ra tại các tỉnh Lipetsk và Belgorod, Voronezh và Kursk của Nga ở gần đó.
Trong những tháng gần đây, lực lượng Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, nhằm mục đích gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ và các cơ sở sản xuất quân sự của Nga .
Đáng chú ý, vào đêm 1/9, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái chưa từng có đã diễn ra khi hàng trăm chiếc UAV của Kiev ồ ạt tràn vào không phận Nga. Bộ Quốc phòng Nga sau đó khẳng định đã bắn hạ được 158 máy bay không người lái, nhưng dư âm của cuộc tấn công báo hiệu một cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng và không khoan nhượng.
Điện Kremlin lần đầu lên tiếng về nguồn cung tên lửa Iran
Theo AP, Điện Kremlin ngày 9/9 nhấn mạnh, Iran - Nga hợp tác và đối thoại trên mọi lĩnh vực khi được hỏi về thông tin Tehran gửi tên lửa đạn đạo cho Moscow.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/9 cho biết Điện Kremlin đã xem bài báo của Wall Street Journal về vấn đề trên, đồng thời nhấn mạnh "không phải lúc nào loại thông tin như vậy cũng đều chính xác". Trước đó, Wall Street Journal trích lời các quan chức Mỹ và châu Âu giấu tên tiết lộ Iran đã gửi tên lửa đạn đạo tầm ngắn tới Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: AP |
"Iran là đối tác quan trọng của chúng tôi. Chúng tôi đang phát triển quan hệ thương mại và kinh tế, hợp tác và đối thoại trong mọi lĩnh vực tiềm năng, bao gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm nhất" - Reuters dẫn lời ông Peskov nói với các phóng viên.
Tehran và Moscow đã xích lại gần nhau hơn kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2/2022, với việc Iran cung cấp máy bay không người lái Shahed cho quân đội Nga. Washington hôm 6/9 cảnh báo việc Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga có thể dẫn tới leo thang căng thẳng trong xung đột Ukraine.
Al Jazeera đưa tin, Bộ Ngoại giao Iran ngày 9/9 phủ nhận thông tin cung cấp tên lửa cho Nga. "Chúng tôi bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc về vai trò của Iran trong việc xuất khẩu vũ khí cho một bên liên quan" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nasser Kanaani nói - "Những bên tố cáo Iran lại nằm trong số những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho một bên trong xung đột".
Trong khi đó, một quan chức Ukraine cấp cao kêu gọi phương Tây cho phép Kiev dùng vũ khí họ cung cấp để tấn công các kho quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
"Nhằm đáp trả việc Nga được cung cấp tên lửa đạn đạo, Ukraine nên được phép phá hủy các kho chứa những tên lửa này bằng vũ khí phương Tây" - ông Andrii Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, viết trên Telegram. Tuy nhiên, ông này không nêu rõ tên quốc gia cung cấp tên lửa cho Nga. Bộ Ngoại giao Ukraine đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về khả năng này.
“Chảo lửa” miền Bắc Israel tăng nhiệt, nhiều người thương vong
Theo AP, tình hình chiến sự tại Trung Đông, đặc biệt là khu vực biên giới phía Bắc Israel, tiếp tục leo thang một cách đáng lo ngại khi các bên tham chiến không ngừng gia tăng các cuộc tấn công ác liệt nhằm vào lực lượng đối địch.
Khung cảnh hoang tàn tại thành phố Syria sau cuộc công kích dữ dội của lực Hezbollah hôm 9/9. Ảnh: AP |
Thông tin từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), trong ngày hôm qua (9/9), Phong trào Hezbollah ở Lebanon đã mở nhiều cuộc tấn công bằng cả tên lửa và máy bay không người lái vào khu vực phía Bắc Israel. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập kích bằng 2 máy bay không người lái mang thuốc nổ nhằm vào khu dân cư ở Nahariya hồi trưa qua, khiến một tòa nhà bị hư hại. Ngay sau cuộc tấn công, đích thân Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel, Trung tướng Herzi Halevi đã đến thị sát khu vực này.
Trước cuộc tập kích vào Nahariya, Hezbollah bắn khoảng 15 quả tên lửa tấn công các khu vực Kfar Giladi và khu vực Tây Galilee. Hồi tối qua, 3 máy bay không người lái của nhóm vũ trang Lebanon cũng tấn công một vị trí gần khu dân cư Shlomi, khiến hai binh sỹ Israel bị thương nhẹ.
Về phần mình, không quân và pháo binh Israel tiến hành nhiều cuộc bắn phá dữ dội vào hàng chục mục tiêu Hezbollah ở phía Nam Lebanon, trong đó có một số tòa nhà và đài quan sát ở khu vực Kafr Kila, một điểm tập trung quân ở Tallouseh và một tháp cảnh giới ở khu vực Kafr Shouba. Sáng sớm hôm qua, máy bay chiến đấu Israel cũng đánh phá một số trận địa và ít nhất một bệ phóng tên lửa của Hezbollah ở các khu vực Kafr Kila, Taybeh, Hanine và Yarine.
Đặc biệt, trong đêm 8/9, rạng sáng 9/9, không quân Israel thực hiện loạt cuộc không kích vào tỉnh Hama của Syria khiến ít nhất 18 người chết và khoảng 40 người bị thương. Đợt không kích khiến một số nhà phân tích khu vực lo ngại Israel có thể chuyển hướng đẩy mạnh tấn công vào Syria để ngăn chặn từ xa nguồn tiếp viện vũ khí và hậu cần cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon, nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tấn công bộ binh quy mô lớn vào Lebanon trong thời gian tới như giới chức Israel đã nhiều lần tuyên bố.
Mỹ ra đề xuất đổi đất giữa Lebanon và Israel nhằm chấm dứt xung đột biên giới
Theo The Jerusalem Post, ngày 9/9, Mỹ đã đề xuất một sáng kiến nhằm chấm dứt xung đột biên giới kéo dài giữa Lebanon và Israel thông qua việc trao đổi đất đai.
Đề xuất này là một phần của nỗ lực ngoại giao rộng lớn hơn nhằm giải quyết các tranh chấp biên giới giữa hai quốc gia và đảm bảo an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự của Hezbollah tại biên giới vẫn là điểm nhức nhối trong mọi cuộc thảo luận.
Israel đã nhắc lại yêu cầu chính yếu của mình: “Hezbollah phải rút quân khỏi khu vực biên giới ít nhất 10 km. Đây là một điều kiện cốt lõi để Israel có thể xem xét bất kỳ thỏa thuận nào.” Tuy vậy, Hezbollah đã từ chối yêu cầu này, tạo ra bế tắc trong các cuộc đàm phán.
Binh lính Israel canh gác tại Metula, trên biên giới giữa Israel và Lebanon, miền bắc Israel. Ảnh: The Jerusalem Post |
Mối quan ngại lớn nhất của Israel là sự hiện diện của Hezbollah tại khu vực biên giới sẽ tiếp tục gây ra các thách thức về an ninh, nhất là sau các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Liban vào Kiryat Shmona và Tây Galilee vào cuối tuần qua, với hơn 50 vụ phóng tên lửa được ghi nhận.
Trong một động thái nhằm xoa dịu tình hình, các quan chức Mỹ đã đề xuất một thỏa thuận trao đổi đất đai. Đầu tiên là vấn đề liên quan đến "Điểm B1", một khu vực biên giới phía Tây của "Đường xanh" (khu vực đánh dấu biên giới giữa Lebanon và Israel) nằm gần địa điểm du lịch Rosh Hanikra của Israel. Đề xuất của Mỹ là công nhận Điểm B1 là một phần của Liban và lực lượng Liên hợp quốc được triển khai tại đây để giám sát và đảm bảo an ninh cho cả hai phía.
Thứ hai, đề xuất này cũng đề cập đến Kibbutz Misgav Am, thuộc Hội đồng Khu vực Thượng Galilee ở miền Bắc Israel. Mỹ gợi ý rằng Israel sẽ trao đổi để lấy một diện tích gấp đôi hiện tại mà nước này đang kiểm soát, nhưng không làm thay đổi đặc điểm của khu định cư trên, đảm bảo các hoạt động và sinh hoạt của cộng đồng địa phương vẫn được duy trì.
Các nguồn tin ngoại giao cho thấy, Mỹ đang nỗ ổn định Gaza và các mặt trận khác, đồng thời khẳng định rằng khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lớn là rất thấp. Israel, mặt khác, dường như muốn tận dụng khoảng thời gian còn lại cho đến cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tại Mỹ để làm suy yếu Hezbollah nhiều nhất có thể.
Đề xuất trao đổi đất đai của Mỹ được xem như một nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng và thiết lập hòa bình giữa Lebanon và Israel. Tuy nhiên, với các yêu cầu khó khăn từ cả hai phía và sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Hezbollah, việc đạt được một thỏa thuận toàn diện sẽ đòi hỏi nhiều hơn nữa sự cam kết và nhượng bộ từ tất cả các bên liên quan.