Bản tin Bão lũ ngày 10/9: Hà Nội báo động cấp I, cấm người và phương tiện qua cầu Long Biên
Người dân bãi giữa sông Hồng ‘chạy lũ’ khi nước sông mấp mé gầm cầu Long Biên
Trong sáng ngày 10/9, lãnh đạo TP Hà Nội và các quận, huyện ven đê sông Hồng đã đi rà soát, đồng thời yêu cầu di dời nhiều hộ dân đến nơi an toàn trước khi lũ đổ về.
Người dân khu vực từ ngõ 114 Hàm Tử Quan đến bến Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm sơ tán |
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có phường Chương Dương và Phúc Tân ảnh hưởng trực tiếp khi nước sông Hồng dâng cao. Sáng nay, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm yêu cầu di dời ngay 60 hộ dân ở phường Chương Dương, 70 hộ dân ở phường Phúc Tân đến nơi an toàn.
Dự kiến trong chiều nay, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục di dời các hộ dân theo phương án dự phòng trong trường hợp lũ sông Hồng dâng cao ở mức báo động 2.
Tương tự, từ đêm qua cho đến rạng sáng nay 10/9, chính quyền quận Ba Đình cũng tổ chức di dời các hộ dân ở bãi giữa và khu vực ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc Xá đến nơi an toàn. Cụ thể có bốn hộ, với chín người ở bãi sông và năm hộ, với 15 người ở khu vực xóm trọ mép bờ sông Hồng đã được di dời.
Hà Nội ra lệnh báo động cấp I, ngừng chạy tàu trên cầu Long Biên
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thành phố Hà Nội vừa ra Lệnh báo động lũ cấp độ I trên sông Đuống vào hồi 12h30 ngày 10 tháng 9 năm 2024 tại địa phận quận Long Biên và các huyện: Đông Anh, Gia Lâm.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội đã lệnh Báo động I trên sông Hồng |
Theo lệnh báo động, mực nước sông Đuống tại Trạm Thủy văn Thượng Cát hồi 12h30 ngày 10 tháng 9 năm 2024 là 9,00 m. Mực nước báo động I là 9,00 m.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN quận Long Biên và các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động.
Trước đó, vào 11h10 cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội đã lệnh Báo động I trên sông Hồng tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm. Lúc đó, mực nước sông Hồng là 9,50m, ở mức báo động I.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Hà Nội cũng đã ra Lệnh báo động trên sông Hồng vào hồi 9h sáng cùng ngày tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Thường Tín, Phú Xuyên.
Trong sáng nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông báo sẽ không chạy tàu qua cầu Long Biên. Theo đó, các đoàn tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ thay đổi lịch trình với Ga Gia Lâm là ga xuất phát và kết thúc hành trình.
UBND TP Hà Nội cũng quyết định cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên từ 15h hôm nay đến khi đảm bảo an toàn. Với lệnh cấm này, người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên.
Yên Bái tiếp tục sạt lở khiến 5 người thiệt mạng, 4 người mất tích
Thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Lục Yên cho biết, khoảng 2h sáng ngày 10/9 tại thôn Át, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên xảy ra vụ sạt lở đất từ trên đồi cao tràn xuống nhà dân, vùi lấp hoàn toàn 5 hộ gia đình sinh sống phía dưới chân đồi.
Hiện trường vụ sạt lở khiến 9 người chết và mất tích tại huyện Lục Yên |
Ngay khi nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng huyện Lục Yên đã huy động gần 300 gồm Công an, quân sự xã, chính quyền địa phương cùng người dân tham gia cứu hộ cứu nạn.
Tại hiện trường, 2 người bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Hiện đã đưa 5 người tử vong ra khỏi hiện trường. Các đơn vị đang tìm kiếm 4 người mất tích.
Tuy nhiên, do thời tiết mưa kéo dài nhiều ngày, vị trí đất trên đồi cao vẫn có nguy cơ bị sạt lở khiến việc tìm kiếm, khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Phú Thọ: Nước sông chảy siết, nhiều sà lan đâm vào cầu Vĩnh Phú
Tại vị trí cột trụ thứ 3 cầu Vĩnh Phú (tính theo hướng di chuyển từ TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Vĩnh Phúc) có 1 tàu cỡ lớn, 1 tàu cỡ vừa và 1 sà lan đang mắc kẹt dưới chân cầu.
Hiện trường vụ tàu, sà lan mắc kẹt dưới chân cầu Vĩnh Phú |
Sáng 10/9, sau khi phát hiện tàu, sà lan mắc kẹt dưới chân cầu Vĩnh Phú, bắc qua sông Lô nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ (thuộc địa phận phường Dữu Lâu, TP Việt Trì), lực lượng chức năng 2 tỉnh đã có mặt tại hiện trường, tạm cấm các phương tiện di chuyển qua cầu nhằm đảm bảo an toàn. Nước sông Hồng chảy xiết, kéo theo phao tàu đẩy của các phương tiện đang mắc kẹt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chìm tàu và gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng cầu Vĩnh Phú.
Đến thời điểm hiện tại, 1 sà lan và 6 tàu bị trôi theo dòng nước và mắc kẹt dưới chân cầu Vĩnh Phú. Trước tình hình mực nước sông Lô không ngừng dâng cao. Tính đến 12h ngày 10/9, mực nước trên sông Lô (tại trạm Vụ Quang, Đoan Hùng) đã đạt mức 19,5m, trên mức báo động II. Nước chảy siết khiến cho công tác triển khai khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn.
Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) có thông báo hạn chế giao thông đường thủy nội địa khu vực cầu Vĩnh Phú qua sông Lô do có phương tiện thủy trôi dạt, bị mắc kẹt vào trụ cầu này. Thời gian hạn chế giao thông từ ngày 10/9 đến khi có thông báo mới.
Lào Cai: Lai dắt thành công 2 tàu 100 tấn trôi trên sông Hồng
Ngày 10/9, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã thông tin liên quan đến 2 tàu hút, loại tàu vận tải khoảng 100 tấn chưa xác định nguồn gốc trôi dạt từ thượng nguồn sông Hồng qua cầu Cốc Lếu thuộc địa bàn thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai).
Theo đó, cơ quan chức năng xác định, vào lúc 20 giờ 50 phút ngày 9/9, hai tàu tiếp tục trôi dạt qua cầu Phố Lu huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai)...
Nắm bắt tình hình, Cục Cảnh sát giao thông cùng Công an tỉnh Lào Cai đã lập phương án xử lý, đồng thời thông báo với các đơn vị địa phương cảnh báo chốt chặn hai đầu khi tàu trôi qua ngăn người và phương tiện đi qua cầu; liên tục cập nhật thông tin cho Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và các địa phương khác để có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, tránh ảnh hưởng tới kết cấu đường bộ, đường sắt.
Đến 22 giờ cùng ngày, Công an huyện Bảo Thắng phối hợp với nhân dân đã lai dắt, cứu hộ thành công 2 con tàu vào bờ tại địa phận thôn An Thắng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.