Bắc Giang: Sở hữu trí tuệ thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản chủ lực
Tỉnh Bắc Giang luôn xác định sở hữu trí tuệ đóng vai trò tích cực như một động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Đến nay, Bắc Giang đã đăng ký bảo hộ được 3 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận và 66 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh. Nhiều sản phẩm của tỉnh được bảo hộ thành công tại nước ngoài như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia... Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Ở Bắc Giang nhiều sản phẩm nông sản chủ lực sau khi được bảo hộ đã từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh thành công của bảo hộ chỉ dẫn địa lý với vải thiều Lục Ngạn, thì Bắc giang cũng rất thành công trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Sâm Nam núi Dành và ổi Tân Yên. Qua thống kê cho thấy các sản phẩm đặc sản địa phương sau khi được xây dựng thương hiệu, phát triển tài sản trí tuệ đều chuyển biến tích cực. Giá trị sản phẩm được nâng lên từ 10 - 15% và giữ ổn định qua các năm. Thị trường tiêu thụ được mở rộng. Danh tiếng và uy tín của sản phẩm từng bước được khẳng định, qua đó ý thức xây dựng và phát triển sản phẩm dựa trên công cụ quyền SHTT trong cộng đồng ngày càng được nâng cao.
Vùng trồng sâm Nam núi Dành ở Tân Yên được cấp nhãn hiệu tập thể (Ảnh: Thu Hường) |
Hay như sản phẩm ổi Tân Yên, năm 2020 được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho Hợp tác xã Nông nghiệp Quyên Phong. Từ đây cây ổi đã trở thành một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông hộ ở Tân Yên.
Năm 2021, vải thiều Lục Ngạn cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Sau khi Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý đã có tác động rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ vải thiều và phát triển kinh tế, xã hội địa phương..
Những năm gần đây Bắc Giang đã cố gắng nâng cao chất lượng quả vải thiều, thông qua xác lập quy trình sản xuất, trồng, canh tác mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap và VietGap đồng thời chú trọng chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Nhờ đó, quả vải thiều Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung hàng năm tiến dần thêm vào các thị trường không chỉ Nhật Bản mà còn tại Mỹ và EU, trong đó tại thị trường Mỹ quả vải thiều đã có mặt được 10 năm. Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu…
Thời gian tới, Sở KH&CN Bắc Giang sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời rà soát lại các danh mục sản phẩm, từ đó xây dựng các tài sản trí tuệ, các nhãn hiệu sao cho phù hơp với mỗi sản phẩm; tăng cường đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tạo ra sản phẩm có đủ chất lượng, khả năng cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước; xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản, chiến lược của địa phương.